Bỏ quên quyền lợi người thứ ba

Ngày 19-3-2010, bà Đinh Thị Bích mua căn nhà 25/32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TP.HCM) với giá 2,5 tỉ đồng. Căn nhà này đã được quận cấp giấy chứng nhận vào ngày 12-1-2010 nhưng khi bà đi đăng bộ thì quận lại nói giấy đó… cấp trái pháp luật.

Bà Bích kể: Bà và người bán đã đi công chứng hợp đồng mua bán nhà và đã nộp thuế, lệ phí trước bạ đầy đủ. Tháng 4-2011, bà nộp hồ sơ đăng bộ tại UBND quận 1 nhưng đợi đến hai tháng vẫn chưa có kết quả. Bất ngờ, ngày 25-7, UBND quận 1 ra công văn ngăn chặn việc mua bán, chuyển dịch, thế chấp đối với căn nhà trên. Lý do: Có tranh chấp của một cặp vợ chồng về việc đã nhờ người chủ trước (người bán nhà cho bà Bích) đứng tên giùm căn nhà.

Bỏ quên quyền lợi người thứ ba ảnh 1

Ngày 7-10, UBND quận 1 ra thông báo giao trưởng phòng TN&MT quận tham mưu đề xuất việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đã cấp nêu trên. Theo kết luận của UBND quận 1, trước năm 1975, căn nhà này xây dựng trên đất công không có giấy tờ hợp lệ và chuyển nhượng qua nhiều chủ bằng giấy tay. UBND phường Bến Nghé có hai công văn xác minh nguồn gốc căn nhà mâu thuẫn nhau. Chủ nhà cũ có làm cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp xảy ra để xin được cấp giấy chứng nhận nhưng sau này lại để xảy ra tranh chấp. UBND quận cho rằng người bán nhà cho bà Bích cố ý tường trình sai sự thật; che giấu tranh chấp để được cấp giấy chứng nhận; giấy tay mua bán nhà qua so sánh, đối chiếu bằng mắt thường thấy có dấu hiệu giả mạo.

Ngày 31-10, căn cứ vào khoản 5 Điều 51 Nghị định 90/2006 của Chính phủ về những trường hợp không được cấp giấy chứng nhận (như trường hợp có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở mà chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật), UBND quận đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đã cấp trước đây cho chủ cũ. Trong thông báo ngày 7-10 lẫn quyết định ngày 31-10, UBND quận không hề đả động gì đến quyền lợi của bà Bích, người vì tin tưởng tuyệt đối vào giá trị của giấy chứng nhận đã mua nhà và giờ đang như “ngồi trên đống lửa” khi gần đến giờ chót thì giấy bị hủy bỏ.

Ông NGUYỄN ĐĂNG KHOA, Trưởng phòng TN&MT quận 1:

Phòng đã tham mưu cấp giấy đúng quy định

Người bán nhà cho bà Bích chính là người sử dụng ổn định nhà từ năm 2002 đến nay và tại thời điểm cấp giấy không bị ai tranh chấp. Khi mua nhà, chỉ mỗi bà này đứng tên và hồ sơ lưu của phòng không có tài liệu thể hiện bà là người đứng tên giùm.

Do việc mua bán bằng giấy tay qua nhiều chủ nên trước khi đề xuất lãnh đạo quận ký cấp giấy, phòng đã yêu cầu chủ nhà phải làm cam kết và tự chịu trách nhiệm nếu có phát sinh tranh chấp. Như vậy, phải khẳng định việc đề xuất cấp giấy của phòng là đúng. Còn việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận xuất phát từ tranh chấp sau này, phòng có nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của UBND quận.

Trong việc quận tự cho rằng các chữ ký trong giấy mua bán nhà của người bán nhà cho bà Bích có dấu hiệu giả mạo hay cách nào giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bích, do không thuộc thẩm quyền của phòng nên phòng không thể trả lời cho báo.

Luật sư PHẠM ĐÌNH HƯNG,  Đoàn Luật sư TP.HCM:

Thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận là sai

Do việc cấp giấy chứng nhận cho căn nhà trên đúng quy định nên UBND quận 1 không thể nói là cấp sai đối tượng sở hữu để ra quyết định thu hồi, hủy bỏ, nhất là khi căn nhà đã được đem ra giao dịch hợp pháp.

Đối với những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu nhà phát sinh sau khi cấp giấy, quận nên chuyển sang tòa án xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Khi đó, người mua nhà hợp pháp có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005, bà Bích là người mua nhà ngay tình nên phải được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Việc “phủi sạch” như cách xử lý đã nêu của quận là không thể chấp nhận được.

Sau khi tòa án có những phán quyết có hiệu lực pháp luật thì UBND quận sẽ căn cứ vào đó thực hiện. Nếu tòa nói quận đã cấp sai đối tượng thì bấy giờ quận ra quyết định hủy giấy vẫn không muộn.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm