Bỏ phiếu đúng để bảo vệ quyền lợi của mình

“Khi yêu nước thì chúng ta sẽ làm mọi việc vì đất nước. Cụ thể trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra vào ngày 22-5, mỗi công dân cần có trách nhiệm với lá phiếu của mình để bày tỏ quan điểm, lựa chọn người xứng đáng. Muốn đất nước lớn mạnh, chúng ta phải lựa chọn những người tài đức” - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha (ảnh) nhấn mạnh khi chỉ còn một tuần nữa, cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND các cấp sẽ diễn ra.

Đi bầu cử là thực hiện quyền tham gia chính trị

. Phóng viên: Thưa ông, chúng ta phải hiểu về quyền bầu cử của cử tri như thế nào?

+ Ông Nguyễn Văn Pha:Bầu cử là quyền công dân đã được hiến định. Hiến pháp đã xác định những nguyên tắc quan trọng về dân chủ, trong đó quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND”. Về bầu cử, Hiến pháp cũng minh định nguyên tắc: “Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi có quyền ứng cử vào QH và HĐND theo quy định của pháp luật. Hiến pháp đã đảm bảo quyền công dân một cách rõ ràng và dân chủ. 

. Cơ sở lý luận và thực tiễn nào cho thấy vai trò của cử tri được đặt lên hàng đầu như vậy?

+Về mặt pháp lý, QH là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Trong hoạt động thực tiễn, QH Việt Nam đã từng bước nâng cao và hoàn thiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước. 

Bởi vậy, cử tri tham gia bầu cử nghĩa là đang thực hiện quyền tham gia chính trị của mình. Một cách gián tiếp, cử tri đi bầu cử chính là tham gia vào việc hình thành các quyết sách có ảnh hưởng đến dân sinh, đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước thông qua việc lựa chọn đại biểu để trao quyền lực. Bầu cử chính là phương thức dân chủ để công dân lựa chọn trong số những người ứng cử để trao quyền điều hành đất nước, quản lý xã hội và hành động vì lợi ích của nhân dân. 

Cử tri lựa chọn người để bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND  các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại điểm bỏ phiếu 4, xã Tá Bạ, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè (Lai Châu) sáng 15-5. Ảnh: TTXVN

Yêu nước, hãy có trách nhiệm với lá phiếu

. Thưa ông, để thực hiện vai trò có tính quyết định như trên, cử tri nên làm gì trước khi bầu cử?

+Như tôi đã nói, bầu cử chính là một hành động yêu nước. Đã yêu nước thì phải thật sự tâm huyết, có trách nhiệm. Trong cuộc bầu cử này, các cử tri nên thể hiện trách nhiệm rất cao của mình đối với lá phiếu. Mỗi cử tri cần dành thời gian tìm hiểu năng lực, quá trình công tác, chương trình hành động của từng người ứng cử để lựa chọn bầu ra những đại biểu có khả năng chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng và thực hiện được những yêu cầu của mình. 

. Vậy trong khi bỏ phiếu, cử tri nên thực hiện quyền của mình như thế nào?

+Mỗi cử tri phải trực tiếp lựa chọn những người ứng cử trong lá phiếu, không thể nhờ người khác lựa chọn hoặc lựa chọn qua loa một cách cơ học. Cụ thể: Khi cầm lá phiếu, mỗi cử tri phải cân nhắc có cơ sở về những người ứng cử mà mình sẽ bầu làm đại biểu, không nên lựa chọn chỉ cho đủ số lượng theo yêu cầu, cũng không nên gạch tên người ứng cử mình không thích một cách cảm tính; hoặc để phiếu trắng. 

Điều tôi muốn nhấn mạnh là cử tri không nên nhờ người khác bầu cử thay mình. Nguyên tắc phổ thông, trực tiếp của bầu cử là rất quan trọng. Nếu bầu thay thì cử tri vừa không thể hiện được quyền của mình, vừa có thể gây ra những lãng phí cho quá trình bầu cử. Bởi nếu phát hiện có việc bầu cử thay thì kết quả bầu cử sẽ không hợp pháp và bắt buộc phải bầu lại. Chi phí cho cuộc bầu cử lại sẽ rất lớn, tốn kém cho đất nước, cho nhân dân, trong khi cả nước đang cần tiết kiệm nguồn lực để phát triển.

Vả lại, nguyên tắc bỏ phiếu kín đã được quy định trong bầu cử để đảm bảo rằng chỉ có cử tri biết về sự lựa chọn của mình thể hiện trong lá phiếu. Điều này cũng là để đảm bảo quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tránh việc lựa chọn của cử tri bị tác động, ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài.

Mỗi người hãy trực tiếp cầm lá phiếu, hãy trực tiếp lựa chọn đại biểu để trao quyền lực và trách nhiệm lãnh đạo, quản lý đất nước và điều hành xã hội. 

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm