Bở hơi tai xác định độc thân vì... đi du học

Anh Đỗ Phan Nam Tiến (có hộ khẩu thường trú tại phường 6, quận 3, TP.HCM) từng đi du học ở Pháp bốn năm, sau đó về nước. Gần đây anh Tiến chuẩn bị kết hôn nên mang CMND, hộ khẩu đến UBND phường 6, quận 3 làm thủ tục xác nhận độc thân. Cán bộ tư pháp phường nói anh Tiến có khoảng thời gian cư trú bốn năm ở nước ngoài nên theo Nghị định 123/2015 (hướng dẫn Luật Hộ tịch mới), anh Tiến phải chứng minh tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian ở nước ngoài.

Phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xác nhận

Anh Tiến kể: “Cán bộ tư pháp hướng dẫn tôi nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xác nhận. Nếu quá hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thư mà tôi không được hồi âm thì phường sẽ có văn bản gửi cơ quan này để hỏi. Nếu sau 15 ngày phường cũng không nhận được kết quả thì tôi được viết cam kết”.

Anh Tiến cho biết thực hiện theo hướng dẫn của phường, anh đang soạn email gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đề nghị hướng dẫn thủ tục, cách thức thực hiện. Sau đó, anh phải gửi thư bảo đảm qua Pháp để nơi này xác nhận giúp. “Muốn làm người dân chấp hành pháp luật và không muốn phức tạp về sau nên tôi trung thực khai báo khoảng thời gian đi du học nước ngoài nhưng gặp khó khăn phức tạp như vậy” - anh bày tỏ.

Anh Tiến cũng thắc mắc vì Nghị định 123/2015 quy định người từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi phải chứng minh tình trạng độc thân ở từng nơi. Nhưng thế nào là đăng ký thường trú? “Theo quy định của Luật Cư trú, đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu. Hộ khẩu thường trú của tôi trước nay vẫn tại phường 6, quận 3. Thời gian tôi ở nước ngoài là có thời hạn, không phải thường trú như định nghĩa của Luật Cư trú. Do đó việc tôi phải trở lại Pháp để xin xác nhận có đúng không?” - anh Tiến thắc mắc.

Ngoài ra, theo anh Tiến, luật cũng không quy định thời gian ở nước ngoài học tập, làm việc bao lâu thì thuộc diện phải xác nhận. “Giả sử tôi đi du lịch nước ngoài ba tháng thì có phải xác nhận không?” - anh Tiến đặt câu hỏi.

Anh Đỗ Phan Nam Tiến khi du học ở Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để dân cam kết là phù hợp, thuận lợi nhất

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Quốc tịch- Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết Sở nhận được nhiều góp ý, phản ánh thủ tục xác nhận độc thân hiện nay rắc rối và khó khăn so với quy định cũ. Trước 1-1-2016, địa phương nơi cư trú cuối cùng của người có yêu cầu xác nhận độc thân sẽ thực hiện việc xác nhận, còn những khoảng thời gian tại các nơi cư trú trước đó người dân được cam kết và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi sau 1-1-2016 khi Luật Hộ tịch có hiệu lực.

Theo đó, Luật Hộ tịch mới và Nghị định 123/2015 quy định người từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu không chứng minh được thì UBND phường nơi đăng ký thường trú cuối cùng sẽ gửi văn bản đề nghị những nơi người này từng đăng ký thường trú xác nhận về khoảng thời gian người này cư trú tại đó. Sau đó Thông tư 15/2015 đưa ra thêm một “cửa” nữa là nếu quá hạn mà không nhận được văn bản trả lời của các cơ quan được hỏi thì cho người dân được cam kết.

Về định nghĩa “nơi từng đăng ký thường trú”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh cho hay qua thực tế quản lý, thường trú không chỉ là nơi có hộ khẩu thường trú mà là nơi “cư trú ổn định trong thời gian dài”. Bởi lẽ nhiều trường hợp hộ khẩu một nơi nhưng người dân sinh sống một chỗ khác. Tại địa phương này có thể phát sinh những hành vi dân sự, hành chính, hình sự. Do đó nếu chỉ dựa vào nơi có hộ khẩu thường trú là không đủ.

“Trước đây, người dân được cam kết tình trạng độc thân trong những khoảng thời gian thường trú ở các địa phương khác nhau nên rất thuận lợi. Tôi cho rằng đó là cách thức phù hợp nhất” - bà Bình Minh bày tỏ. Theo bà, quy định mới có rất nhiều bất cập, khó khăn cho dân lẫn UBND phường, xã vì đẻ thêm việc, mất thời gian, tốn kém chi phí. “Chưa kể điều này có thể dẫn tới nguy cơ tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Người dân tự chứng minh nên việc công nhận những bằng chứng này đã thỏa đáng hay chưa sẽ phụ thuộc vào cán bộ có thẩm quyền. Rồi đi nước ngoài bao lâu thì phải xác nhận, vài tháng hay vài năm nghị định không nói” - bà Minh nhận định.

Sở Tư pháp cho hay đang tập hợp để báo cáo Bộ Tư pháp những vướng mắc trên. “Qua trao đổi, một cán bộ có thẩm quyền của Bộ cho hay sẽ có hướng dẫn mới. Tuy nhiên, trong lúc này người dân và cơ quan chức năng vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành” - ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Quốc tịch-Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho hay.

Đi chục nước, cũng phải xác định chục nước (!)

Trường hợp như anh Đỗ Phan Nam Tiến còn đỡ phức tạp vì anh Tiến chỉ du học ở một nước. Với trường hợp chị Đinh Thị Mỹ Hiền thì mới “trần ai khoai củ” hơn nhiều.

Trước đây chị Hiền có hộ khẩu tại Quảng Trị, gần đây chị đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM. Trong mấy năm qua, chị Hiền xin được nhiều học bổng du học ngắn hạn lẫn dài hạn tại New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và có khoảng thời gian làm việc tám tháng ở Anh. “Theo luật mới, không lẽ tôi phải liên hệ sáu nơi để xác nhận, đó là Quảng Trị, TP.HCM và bốn nước mà tôi từng học tập, làm việc để xác nhận độc thân?” - chị Hiền ngán ngẩm.

Không chỉ để kết hôn

Giấy xác nhận độc thân không chỉ để đăng ký kết hôn mà còn phục vụ thủ tục chuyển nhượng, mua bán tài sản, cấp giấy chứng nhận nhà đất… Việc chậm trễ, kéo dài theo quy định mới gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân.

Bà LÊ THỊ BÌNH MINH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm