Bộ Công an lấy ý kiến mẫu thẻ căn cước gắn chíp điện tử

Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước công dân để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Việc lấy ý kiến sẽ kéo dài trong hai tháng, từ ngày 12-10 đến hết ngày 12-12-2020.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về mẫu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử. Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất thẻ căn cước sẽ có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm.

Về nội dung, ngoài ngôn ngữ Tiếng Việt, Bộ Công an sẽ sử dụng thêm ngôn ngữ Tiếng Anh trong các trường thông tin của công dân trên thẻ căn cước.

Theo đó, các trường thông tin cơ bản trên thẻ gồm hình Quốc huy nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; ảnh của người được cấp thẻ; có giá trị đến/date of expiry; CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/SOCIALIST REPULIC OF VIET NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc/Independence - Freedom - Happiness; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN/Identity Card”; họ và tên/full name; quốc tịch/nationality; quê quán/place of birth; nơi thường trú/place of residence; đặc điểm nhân dạng/personnal identification…

Ngoài ra, trên thẻ cũng sẽ có dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) và mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch hai chiều).      

Đặc biệt, thẻ căn cước công dân theo mẫu mới sẽ được gắn chíp điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được cấp thẻ căn cước, chíp được gắn ở mặt sau của thẻ. Chưa hết, thẻ còn có phôi bảo an được gắn ở mặt trước.

Cũng theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Con dấu trên thẻ màu đỏ, là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Giải thích về việc gắp chíp điện tử nên thẻ căn cước công dân, Bộ Công an khẳng định việc này nhằm lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ căn cước với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử, chính phủ số.

Bộ này cho hay chip gắn trên thẻ căn cước không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Cùng với đó, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Bộ Công an cho rằng, thẻ căn cước có gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân trước ngày 1-7-2021

Trước đó, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CCCD. Đây là cơ sở để lực lượng công an khẩn trương triển khai thực hiện song song cùng với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an nhấn mạnh điểm nổi bật của dự án CCCD là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1-11-2020 sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm