Bộ Công an đề xuất phạt tới 6 triệu đồng nếu cầm cố thẻ CCCD

Bộ Công an đang đăng tải và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC và phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự kiến, nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 167/2013, quy định cùng về các nội dung nêu trên.

Đáng chú ý, một trong những điểm mới của dự thảo là vấn đề cấp, quản lý, sử dụng CMND hoặc thẻ CCCD. Quy định hiện hành chỉ đề cập tới các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến CMND, trong khi đó dự thảo bổ sung thêm các hành vi liên vi phạm liên quan đến CCCD để phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không xuất trình CMND, CCCD hoặc giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.

Mức phạt trên cũng áp dụng với các hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại CMND hoặc CCCD; không nộp lại CMND hoặc thẻ CCCD trong các trường hợp theo quy định.

Ở mức cao hơn, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng CMND hoặc CCCD của người khác; tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của CMND hoặc CCCD; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng CMND hoặc CCCD.

Đặc biệt, dự thảo quy định phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi làm giả CMND hoặc CCCD (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự); sử dụng CMND hoặc CCCD giả; thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD; mượn, cho mượn CMND hoặc CCCD để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Theo quy định đang có hiệu lực tại Nghị định 167/2013, việc cầm cố, thế chấp CMND chỉ bị xử phạt khi hành vi này thực hiện nhằm mục đích thực hiện một hành vi trái pháp luật.

Tuy nhiên, ở dự thảo, Bộ Công an quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Theo đó, người dân chỉ cần thực hiện hành vi thế chấp, cầm cố CMND hoặc CCCD là sẽ bị xử phạt theo mức phạt đã nêu ở trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm