Bỏ ăn thịt chó từ khi thấy chó chảy nước mắt

Anh Hưng (Tân Bình) cho biết một lần anh chứng kiến chó của người bạn bị xe cán chết, người ta đem vào làm thịt để nhậu. Từng dùng thịt nhưng từ lần đó và trở về sau, anh không bao giờ đụng đũa vào món này được. “Làm sao có thể ăn con vật mà mỗi lần tôi đến nhà bạn chơi luôn được nó ra vẫy đuôi mừng” - anh Hưng nói.

Ngoài anh Hưng, còn nhiều người với nhiều lý do khác nhau đã dần bỏ thịt chó.

Nhiều người đã bỏ dần thịt chó

“Những lần đi nước ngoài lâu ngày, tôi thèm thịt chó kinh khủng, bởi trước đây tôi ăn đều đặn mỗi tuần. Tuy nhiên, hiện giờ tôi đã nói không với món thịt chó” - ông Thành (48 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ.

“Đọc báo tôi thấy chó không được kiểm soát giết mổ, chẳng qua kiểm dịch nên không ngoại trừ nhiều quán nhậu sử dụng chó bệnh, chó chết… để chế biến món ăn khoái khẩu. Chưa hết, thỉnh thoảng báo chí đăng tin có người bị nhiễm ký sinh trùng do ăn thịt chó trôi nổi nên tôi thực sự thấy sợ. Nhiều người bạn nhậu của tôi cũng đã bỏ món này” - ông Thành giải thích.

Tương tự, ông Minh (46 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng là tín đồ thịt chó nhưng hiện ông không còn đụng đũa món này nữa.

“Trước đây, hầu như tuần nào tôi cũng ăn thịt chó và món khoái khẩu là món luộc. Tôi không ăn thịt chó ngoài quán, mà cùng bạn bè mua chó sống về giết mổ, thui rơm rồi chế biến. Cách đây hai tháng, người bạn đem con chó nhà nuôi ra làm thịt, tôi cũng đã chuẩn bị đồ nghề để xử. Bất ngờ khi nhìn con chó bị cột vào gốc cây, tôi thấy khóe mắt nó ươn ướt như khóc và nhìn tôi với ánh mắt như van xin. Tôi bần thần rồi bỏ về nhà, không còn tâm trí nào với mấy món ngon từ thịt chó nữa. Từ đó về sau tôi không ăn thịt chó nữa” - ông Minh kể.

Điểm bán chó đã giết mổ hiếm hoi còn tồn tại trên địa bàn quận 12, TP.HCM,  nhiều người đã bỏ dần vì ám ảnh món này. Ảnh: TRẦN NGỌC

Quán thịt chó đã giảm

“Tôi mở quán nhậu thịt chó được gần 10 năm. Tuy nhiên, hiện tôi đã ngừng bán” - bà Hương (50 tuổi, ở phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM) nói.

Theo bà Hương, trước đây do nhiều người ăn thịt chó nên quán nhậu của bà ăn nên làm ra. Mỗi ngày bà có thể chế biến nhiều món với gần 10 con chó, riêng Chủ nhật và lễ lạt thì nhiều hơn. “Thế nhưng gần đây lượng khách vào quán ăn thịt chó giảm đáng kể do nhiều lý do. Thấy trụ tiếp không nổi, tôi chuyển qua kinh doanh quần áo may sẵn” - bà Hương nói thêm.

Tương tự, bà Xuân bán chó tại chợ Trung Mỹ Tây (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) ngót tám năm nhưng nay đã bỏ nghề.

“Hiện mỗi ngày tôi bán không tới năm con, trong khi trước đây mỗi ngày ít nhất 10 con. Do lượng người ăn thịt chó giảm, lời lãi chẳng bao nhiêu, lại thêm chính quyền địa phương vận động không kinh doanh thịt chó nên tôi nghỉ bán” - bà Xuân trải lòng.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp, cho biết trước đây trên địa bàn phường có ba quán nhậu thịt chó, hiện chỉ còn một.

“Thịt chó giá bình dân nên quán nhậu bán nhiều mới có lãi. Gần đây do ban, ngành, đoàn thể vận động không ăn thịt chó, nhiều người cũng dần chuyển đổi ý thức, không đưa thịt chó vào món ăn nhậu dẫn đến tình trạng quán thịt chó vắng khách. Do vậy một số quán đã đóng cửa” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trước đây vài người làm việc trong UBND phường thỉnh thoảng có ăn thịt chó. Tuy nhiên, hiện những người này đã bỏ hẳn. Có người thẳng thừng từ chối khi được mời dùng món này.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết: “Cách đây vài năm, trên địa bàn phường có trên 10 quán thịt chó thì hiện chỉ còn hai quán. Tương tự, trước có gần 15 sạp bán chó đã giết mổ trên địa bàn phường nhưng hiện chỉ còn năm sạp, trong đó có một sạp bán không thường xuyên”.

“Từ năm 2016, UBND quận 12 đã ra công văn chỉ đạo 11 phường kiểm tra và xử lý các điểm giết mổ, kinh doanh thịt chó. Thực hiện chỉ đạo của quận, UBND phường Trung Mỹ Tây thường xuyên kiểm tra, xử lý và vận động chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, ban, ngành, đoàn thể của quận và các phường cũng vận động công nhân, viên chức, người dân hạn chế hoặc không ăn thịt chó nên có kết quả nói trên” - ông Tâm cho biết thêm.

Theo ông Tâm, trên địa bàn phường hiện còn hai điểm giết mổ chó so với gần 15 điểm thời gian trước đây. UBND phường cũng đã lên kế hoạch kiểm tra và xử lý để không ảnh hưởng môi trường. “Một khi mọi người nói không với thịt chó thì các quán nhậu, sạp bán và điểm giết mổ chó sẽ không tồn tại” - ông Tâm nêu quan điểm.

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khi dùng thịt chó

Thịt chó tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do quá trình nuôi, giết mổ không được cơ quan nhà nước kiểm dịch, kiểm soát.

Dùng thịt chó không an toàn dễ có nguy cơ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt virus gây bệnh dại. Bên cạnh đó còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, kể cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans), gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người.

Dùng thịt chó không an toàn còn có nguy cơ nhiễm hóa chất tồn dư trong thịt và có thể gây chết người, đặc biệt các hóa chất dùng đánh bả chó.

(Nguồn: Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm