Biến điểm đen về rác thành mảng xanh trong khu dân cư

TP.HCM vừa trải qua một năm đầy khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để chuẩn bị chào đón tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại một số địa phương trên địa bàn TP.HCM đã có những chiến dịch, kế hoạch dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời duy trì ngăn tái ô nhiễm từ điểm đen về rác trước đó, tạo thêm những điểm sáng, điểm xanh trong các khu dân cư.

Duy trì và cải tạo môi trường xanh

Ghi nhận của PV tại khu vực hẻm 237 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM cho thấy cảnh quan nơi đây đã được cải tạo, dọn dẹp sạch sẽ khác hẳn so với thời điểm cách đó vài tuần. Một hàng cây xanh cũng vừa được trồng để tạo thêm mảng xanh.

Theo chị Nguyễn Thị Xuân, người dân sống gần đây, vì trên con hẻm này có một đoạn là đất trống nên nơi đây thường xuyên là điểm bỏ rác của nhiều người.

“Địa điểm này không phải là điểm tập kết rác nhưng vì một số người không có ý thức, mang rác ra đổ rồi dần dần trở thành tập điểm tập kết rác trái phép. Các hộ dân sống xung quanh thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối phát ra từ đây. Mới đây, UBND phường 14 có tổ chức xuống tổng vệ sinh dọn dẹp, trồng cây nên mới được sạch như bây giờ” - chị Xuân chia sẻ.

Điểm nóng về rác trên tuyến đường chạy dọc kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn qua phường 14, quận Gò Vấp) cách đây hơn một năm luôn tràn ngập các loại rác. Sau khi chính quyền làm đường, làm công viên thì điểm đen về ô nhiễm đã trở thành điểm xanh lý tưởng, thu hút người dân đến đây vui chơi giải trí, tập thể dục.

Người dân đến tập thể dục tại công viên ở đường Đặng Thế Phong, phường 
Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Khu này trước kia là bãi rác.  Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại quận Tân Phú có hai công trình cải tạo điểm tồn đọng rác thải được chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng nằm trên địa bàn hai phường Tân Sơn Nhì và Sơn Kỳ.

Theo một số người dân sống tại đường Đặng Thế Phong, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú thì trước đây khu đất trống đối diện Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì từng là những đóng rác tự phát. Khu này ngày trước cũng thường bị một số người dân lấn chiếm làm điểm kinh doanh quán nhậu rất ồn ào và ô nhiễm. Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, phường đã xây dựng thành công viên không còn những cảnh ô nhiễm nữa.

Anh Nguyễn Thanh Tài (đường Đặng Thế Phong, phường Tân Sơn Nhì) chia sẻ: “Từ khi khu này được phường cải tạo thành công viên, nơi đây trở nên xanh, sạch hơn, chất lượng cuộc sống của người dân cao hơn. Cứ mỗi chiều, trẻ nhỏ có chỗ vui chơi, hóng mát. Sáng sớm, các cụ ông, cụ bà thường đến đây tập thể dục, chạy bộ. Công viên còn được xây dựng nhà vệ sinh công cộng nên rất tiện lợi”.

Tại khu đất trống trên đường Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ (cạnh Trạm y tế phường Sơn Kỳ) trước đây cũng là điểm nóng về rác thải. Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, khu này đã sạch, xanh và trở thành khu vui chơi thiếu nhi.

Ý thức người dân rất quan trọng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, song song với công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, UBND phường cũng tiếp tục triển khai công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần của Chỉ thị 19 của Thành ủy.

Cũng theo ông Dũng, bên cạnh duy trì các điểm xanh như ở tuyến đường dọc kênh Tham Lương - Bến Cát, UBND phường 14 đã cho cải tạo, xóa bỏ thêm nhiều điểm đen về rác mới như ở hẻm 237 đường Phạm Văn Chiêu và hẻm 565 đường Lê Văn Thọ.

Hẻm 237 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp trước khi dọn rác. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Hẻm 237 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp sau khi dọn rác. Ảnh: HỮU ĐĂNG

“Để có một môi trường xanh, sạch thì người dân nên sát cánh và đồng hành cùng với chính quyền địa phương bảo vệ môi trường xung quanh. Bên cạnh sự giám sát của chính quyền địa phương, ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất trong việc làm sạch môi trường sống. Sắp tới, trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát, chúng tôi sẽ cho lắp bê tông thêm đoạn ở khu phố 12, tạo thêm cảnh quan cho tuyến kênh này cũng như tạo mảng xanh cho người dân” - ông Dũng thông tin.

Một đại diện phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cho biết sân chơi thiếu nhi cạnh trạm y tế phường trước đây là khu đất trống, phường đã cải tạo lại. Công trình này được xây dựng với kinh phí khoảng 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau khi xây dựng xong, phường đã giao cho khu phố quản lý. Phường xây dựng sân chơi thiếu nhi với mong muốn trẻ em trên địa bàn có chỗ vui chơi, tạo môi trường xanh và cũng tránh được tình trạng xả rác.

Gắn camera để ngăn tình trạng đổ rác bậy

Tại khu vực đầu hẻm 565 đường Lê Văn Thọ, phường 14, quận Gò Vấp, cũng là một điểm nóng về tập kết rác trái phép khi tại đây thường xuyên bị nhiều người mang rác ra đổ trộm.

Để giải quyết điểm đen về rác này, UBND phường đã phải tổ chức trực chốt canh để bắt quả tang người đổ trộm rác. Đồng thời, UBND phường cũng đã cho gắn ba camera để theo dõi, ngăn ngừa việc xả rác bừa bãi. Đến nay cảnh quan tại đây đã được cải thiện rõ rệt, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân hẻm 565.

Ông NGUYỄN THẾ DŨNGChủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp 

Lắp biển số giả để né phạt nguội bị xử phạt thế nào?
Lắp biển số giả để né phạt nguội bị xử phạt thế nào?
(PLO)- Tôi có sở hữu một ô tô và cả tháng nay xe tôi không đi ra khỏi TP.HCM nhưng bất ngờ tôi lại nhận được thông báo phạt nguội của CSGT. Địa điểm vi phạm là tại một tỉnh khác. Điều này khiến tôi rất bức xúc.Xin hỏi, trong trường hợp này tôi phải xử lý như thế nào?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm