Bị tai nạn lao động có được hưởng BHYT?

Gửi thư đến báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hoài Thương (xã Đức Dân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) phản ánh: Đầu tháng 2-2011, ông được Công ty Dịch vụ bảo vệ Hùng Minh điều đến làm nhiệm vụ tại một nhà hàng ở quận 10
(TP.HCM). Khi ông đang làm việc thì có một thanh niên chạy xe máy va vào ông và hai bên có lời qua tiếng lại. Khoảng 10 phút sau, thanh niên đó cùng với vài người nữa quay lại đánh, chém ông khiến ông bị thương tích nặng.

Ngày 30-5, ông vào BV Nguyễn Tri Phương điều trị theo đúng tuyến nơi đăng ký khám chữa bệnh trong thẻ BHYT. Ngày 5-7 thì ông xuất viện theo diện bệnh nhân phải chi trả 20% chi phí, BHYT chi trả phần còn lại. Đến giữa tháng 7, ông trở lại tái khám thì BV đã từ chối giải quyết theo diện BHYT viện lẽ ông bị tai nạn lao động nên không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.

“Vì sao BV Nguyễn Tri Phương lúc đồng ý thanh toán chi phí theo diện BHYT, lúc không? Quyền lợi của những người bị thương tật khi đang làm nhiệm vụ do công ty phân công như tôi sẽ được giải quyết thế nào?” - ông Thương thắc mắc.

Bị tai nạn lao động có được hưởng BHYT? ảnh 1

Ông Thương đang rất lo lắng cho chi phí điều trị thương tật phát sinh trong thời gian tới đây. Ảnh: THÁI HIẾU

Bà Phạm Hồng Phương, chuyên viên phòng Tổ chức - BV Nguyễn Tri Phương, giải thích: “Lúc nhập viện, vết thương ở tay của ông Thương bị nhiễm trùng nặng ở xương nên chúng tôi phải tập trung cứu chữa. Khi đó do xác định chưa đúng đối tượng nên các y, bác sĩ, nhân viên đã chấp nhận thanh toán theo diện BHYT. Phát hiện chúng tôi đã chi sai nên bên BHXH đòi truy thu lại số tiền này. Trong lần tái khám, vì ông khai vết thương do bị chém khi làm nhiệm vụ nên bác sĩ đã xác định ông không thuộc diện BHYT chi trả”.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: “Trường hợp của ông Thương bị đánh, chém trong khi thi hành nhiệm vụ của công ty được xác định là tai nạn lao động. Theo khoản 9 Điều 23 Luật BHYT, việc khám bệnh, chữa bệnh đối với tai nạn lao động… không được hưởng BHYT. Theo Bộ luật Lao động thì đơn vị sử dụng lao động (có hợp đồng với người lao động) phải chịu toàn bộ chi phí từ sơ cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động (khoản 2 Điều 107). Khi vết thương đã điều trị được ổn định (không còn tái khám), ông Thương có thể đến Hội đồng Giám định y khoa xếp hạng thương tật để được hưởng trợ cấp một lần hoặc hằng tháng do quỹ BHXH chi trả”.

Công ty sẽ có hướng hỗ trợ

Ngay sau khi ông Thương gặp sự cố, công ty đã hỗ trợ các chi phí chữa trị ban đầu. Hiện công ty đang xác minh để xem đó có phải là tai nạn lao động hay không nhằm có cơ sở giải quyết chế độ cho ông theo đúng quy định của pháp luật. Công ty cũng sẽ có hướng hỗ trợ cho ông Thương chữa trị tiếp nếu thấy cần thiết.

Ông MAI CÔNG MINH,
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hùng Minh

TH.HIẾU - G.NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm