Bị sa thải trái luật

Cách đây năm tháng, anh Đỗ Phú Hóa (phường 7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bị công ty nơi anh làm việc ra quyết định sa thải với lý do tham ô gần 500 ngàn đồng.

Bỏ quên 28 lít dầu

Từ tháng 5-2007, anh Hóa là tài xế kiêm công nhân Công ty cổ phần Hàng hải Mermaid Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu). Ngày 3-9-2008, anh Hóa chuẩn bị xe đi công tác. Nhìn kim xăng đã vơi nửa, anh ước chừng phải đổ thêm khoảng 60 lít dầu diesel. Anh Hóa đã lên văn phòng ký phiếu chi 60 lít dầu và đánh xe tới cửa hàng xăng dầu (nơi anh Hóa và các tài xế khác trong công ty thường ghé) để đổ dầu.

Trong khi nhân viên cây xăng đổ dầu vào xe, anh Hóa nhận được điện thoại nên đứng ra xa để nói chuyện. Khi quay vào, anh thấy nắp bình xăng đã được đóng lại. Nghĩ rằng cây xăng đã đổ đủ số lượng dầu ghi trong phiếu, anh Hóa chạy xe đi.

Ngày 8-9-2008, công ty đã tổ chức họp để truy cứu trách nhiệm các tài xế làm thất thoát dầu. Anh Hóa và hai tài xế khác cùng điều khiển một chiếc xe được yêu cầu viết bản tường trình. Theo anh Hóa, đến sau này anh mới biết hôm đó nhân viên cây xăng chỉ đổ 32 lít dầu thì bình đầy. Nhân viên ấy đã vào trong ghi phiếu biên nhận dư 28 lít dầu cho anh. Do anh Hóa không biết để chờ lấy phiếu nên cửa hàng vẫn giữ phiếu này. Phía cửa hàng cũng có văn bản xác nhận vụ việc mà qua đó cho thấy anh Hóa đã trình bày đúng sự thật.

Một tuần sau, Công ty Mermaid đã tổ chức một cuộc họp khác để xét kỷ luật anh Hóa. Thành phần tham gia gồm có phó giám đốc điều hành công ty, kế toán trưởng và anh Hóa. Kết thúc cuộc họp, anh Hóa nhận được quyết định kỷ luật với hình thức sa thải kể từ ngày họp này. Lý do: Anh Hóa đã có hành vi tham ô tài sản công ty (theo tham khảo của PV về giá dầu trước 16-9-2008 thì 28 lít dầu có giá khoảng 450 ngàn đồng), lại không thành khẩn nhận lỗi.

Kỷ luật trước, biên bản lập sau

Theo Nghị định 33 ngày 2-4-2003 của Chính phủ, đối với trường hợp xử lý vi phạm bằng hình thức sa thải, công ty phải trao đổi, thống nhất sự việc với công đoàn cấp cơ sở. Nếu không thống nhất, công đoàn cơ sở phải báo cáo lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Phải đợi sau 20 ngày kể từ thời điểm báo cáo, công ty mới có quyền ra quyết định sa thải.

Tiếp đó, Thông tư số 19 ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội quy định: Việc kỷ luật trước hết phải lập hồ sơ và ghi thành biên bản. Trong hồ sơ này cần có bản tường trình của nhân viên vi phạm; biên bản sự việc và các chứng từ, hóa đơn kèm theo. Tại cuộc họp xử lý kỷ luật, phía công ty cần phải chứng minh được lỗi và hành vi vi phạm của nhân viên ứng với hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó, đại diện các bên sẽ đưa ra ý kiến nhận xét. Kết thúc buổi họp, tất cả nội dung phải được lập thành văn bản và được đại diện các bên ký thông qua. Phía bên sử dụng lao động cũng cần căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh của mình để quy định mức giá trị tài sản bị tham ô. Điều này nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho bên sử dụng lao động để xử lý đúng mức.

Đối chiếu các quy định này thì Công ty Mermaid đã có cách xử lý chưa đúng pháp luật. Công ty ra quyết định kỷ luật bằng hình thức sa thải nhưng chỉ căn cứ vào bản tường trình của anh Hóa và cửa hàng xăng dầu mà không căn cứ trên biên bản họp xử lý kỷ luật lao động. Trên thực tế, biên bản họp này chỉ mới được lập sau khi anh Hóa bị sa thải ba tháng. Nội dung biên bản không ghi ý kiến phát biểu của những người tham gia cuộc họp và còn thiếu chữ ký của anh Hóa và một đại diện trong công ty.

Hiện TAND TP Vũng Tàu đang thụ lý đơn khởi kiện của anh Hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ án.

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm