Bị lừa mất sạch tiền vì tin nhắn trên Facebook

Mới đây, chị T. ở quận Tân Bình, TP.HCM bị kẻ gian rút mất hai triệu đồng trong tài khoản ngân hàng vì làm theo tin nhắn từ nick Facebook bị hack của người thân ở nước ngoài.

Theo chị T., vào trưa ngày 2-11, chị nhận được tin nhắn Facebook của người bác ở nước ngoài gửi đến. Nội dung tin nhắn là người bác đang cần chuyển gấp số tiền hơn 35 triệu đồng cho một người thân ở Việt Nam và mượn số tài khoản của chị T. để gửi vào.

Tin nhắn chị T. nhận được từ số điện thoại lạ báo tài khoản của chị được cộng hơn 35 triệu đồng. Ảnh: VÕ HÀ

Theo lời nhờ, chị T. đã cung cấp số tài khoản và số điện thoại của mình qua tin nhắn Facebook của người bác.

Vài phút sau, điện thoại chị T. nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0787583xxx với nội dung thông báo tài khoản của chị nhận được hơn 35 triệu đồng và để xác nhận giao dịch phải vào đường link https://senmony247.weebly.com.

Chị T. bấm vào đường link và làm theo hướng dẫn, sau đó toàn bộ số dư trong tài khoản đã mất sạch. Nghi mình bị lừa, chị T. liên hệ với người bác thì mới biết nick Facebook của người bác đã bị hack. Ngoài chị T. ra, hai người bà con của chị cũng bị lừa tương tự gần 10 triệu đồng.

“Khi nhận được tin nhắn xin số tài khoản của tôi, kẻ gian cứ liên tục hỏi số tiền trong tài khoản là bao nhiêu và yêu cầu tôi nộp thêm. Nghe vậy, đáng lý ra tôi phải tỉnh táo nhận ra đây là cái bẫy và ngừng ngay. Đúng là bọn chúng quá tinh vi khi bảo nạn nhân chỉ nhận tiền chứ không bảo gửi đi, vì vậy tôi mới mất cảnh giác mà thực hiện theo” - chị T. bức xúc.

Một chuyên gia an ninh mạng cho biết hình thức lừa đảo qua tin nhắn điện thoại, tin nhắn Facebook không mới nhưng vẫn có nhiều người dính bẫy.

Thủ đoạn của kẻ gian là dụ nạn nhân truy cập đường link, sau khi nạn nhân điền các thông tin liên quan thì chúng đã kiểm soát được tài khoản. Sau đó, kẻ gian chuyển tiền trực tuyến của khách hàng vào một tài khoản khác của chúng.

Để tránh bị lừa tương tự, người có tài khoản ngân hàng tuyệt đối không nên trả lời hay truy cập đường dẫn trong tin nhắn được gửi đến. Ngoài ra, người dùng tài khoản ngân hàng thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập ứng dụng Internet Banking, Smartbanking để tăng mức độ bảo mật thông tin cá nhân.

Tin nhắn chị T. đã nhận 35 triệu đồng trong tài khoản là do kẻ gian soạn thảo gửi đến chị T., không phải do ngân hàng gửi.

“Người dân khi phát hiện nghi vấn cần thông báo ngay đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hướng dẫn, ngăn chặn việc chuyển tiền.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ trong tin nhắn, thư điện tử. Khi có nghi ngờ, người dân từ chối tiết lộ thông tin và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất” - chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm