Bị “kết tội” nhầm, doanh nghiệp te tua

Bà Phạm Thị Hiền Lương, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tiến (Cụm công nghiệp Phú An, Tây Xuân, Tây Sơn, Bình Định), đang rất bất bình về việc bị nhiều cơ quan trong tỉnh như Chi cục Quản lý thị trường, Đài phát thanh truyền hình... gây tổn hại đến uy tín và hiệu quả hoạt động của công ty.

Từ đơn tố cáo vu vơ

Lúc 15 giờ ngày 3-11-2008, từ đơn tố cáo của một doanh nghiệp cho rằng “Công ty Nhật Tiến đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, lực lượng kiểm tra liên ngành gồm Đội quản lý thị trường cơ động cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tỉnh Bình Định đã đến khám xét, niêm phong toàn bộ số vỏ bình gas tại Công ty Nhật Tiến. Trong biên bản làm việc với Công ty Nhật Tiến, lực lượng này ghi nhận trong kho của công ty có 2.729 vỏ bình gas loại 12 kg, trong đó có một số vỏ bình gas của các doanh nghiệp khác.

Tuy chưa có kết luận nào về sai phạm của công ty nhưng ngay sau đó, chương trình truyền hình “Vì an ninh tổ quốc” của tỉnh Bình Định đã liên tiếp phát sóng hai lần phản ánh Công ty Nhật Tiến đã có “một kiểu kinh doanh không lành mạnh”. Theo chương trình này thì Công ty Nhật Tiến đã tự ý giữ vỏ bình gas của các đối thủ. Bằng cách này, Công ty Nhật Tiến không để số vỏ bình gas của các doanh nghiệp khác quay lại thị trường, gây khốn đốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vì thiếu bình gas.

Xử lý vội vàng

Tuy nhiên, theo trình bày của bà Lương thì toàn bộ số vỏ bình gas mang thương hiệu VT gas của Công ty Nhật Tiến đều do Công ty liên doanh Khí hóa lỏng Việt Nam cung cấp. Nhưng khi mua bán gas trên thị trường, nhiều khách hàng đã trả lại cho Công ty Nhật Tiến vỏ bình gas của các công ty khác. Thấy chúng đã mục nát, công ty của bà đã cho cất vào kho và không chiết nạp lại. Như vậy, không thể kết luận Công ty Nhật Tiến đã có hành vi chiếm dụng thương hiệu của ai cả. Trường hợp vẫn muốn “kết tội” bà thì doanh nghiệp bị xâm phạm thương hiệu cần chứng minh về việc xâm phạm để các cơ quan chức năng có cơ sở xử lý. Nhưng trên thực tế, từ ngày Công ty Nhật Tiến bị niêm phong vỏ bình gas đến nay, doanh nghiệp tố cáo đã “án binh bất động”.

Ngoài ra, khi nhận được thắc mắc của Công ty Nhật Tiến, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng có văn bản nêu rõ: Đến ngày 1-12-2008 (sau thời điểm niêm phong nêu trên) thì hàng loạt nhãn hiệu bình gas có trong kho của Công ty Nhật Tiến đều chưa thực hiện quyền đăng ký bảo hộ.

Ngày 23-1-2009, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Công ty Nhật Tiến và lập biên bản khẳng định công ty “không vi phạm về sở hữu công nghiệp. Toàn bộ 2.729 vỏ bình gas để tại Công ty Nhật Tiến được công ty này toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật”. Tính ra, số vỏ bình gas của Công ty Nhật Tiến đã bị niêm phong “oan” trong hơn hai tháng.

Bà Lương bức xúc: “Chính từ việc niêm phong và cách đưa tin vội vã nêu trên mà doanh thu của công ty sụt giảm thê thảm, từ 800 bình gas/ngày xuống dưới 400 bình gas/ngày. Các cơ quan làm sai không thể phủ nhận trách nhiệm đối với những thiệt hại của công ty”.

Trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại sáng 12-2, ông Nguyễn Thế Khả - Quyền Đội trưởng Đội quản lý thị trường cơ động tỉnh Bình Định chỉ thừa nhận: “Chưa thể kết luận số vỏ bình gas của Công ty Nhật Tiến có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không”. Ngoài ra, ông từ chối trả lời về trách nhiệm khắc phục các hậu quả phát sinh.

TẤN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.