Bi hài phận làm chú rể thuê

Phần lớn những người nhận đóng vai chú rể thường là sinh viên các trường đại học hoặc là công nhân của các nhà máy, xí nghiệp. Đa phần họ bước vào nghề vì “bất đắc dĩ”.

Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên năm cuối của một trường ĐH ở  Hà Nội kể lại, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cậu phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ làm gia sư đến bồi bàn, phục vụ tại quán bia, quán nhậu. Sau đó, được bạn bè rủ tham gia vào một nhóm chuyên bê tráp cho các đám cưới, công việc vừa nhàn, thu nhập lại khá, nên Tuấn Anh nhận lời ngay.

“Một hôm, có một anh chuyên làm dịch vụ cưới hỏi trọn gói nói có người muốn thuê em đóng vai chú rể với giá 5 triệu đồng. Lúc đầu mới nghe, em không hứng thú lắm, thậm chí còn thấy rất ái ngại vì nghĩ đóng vai chú rể sẽ gặp rất nhiều rắc rối, nếu bị phát hiện có khi còn bị gia đình nhà gái đuổi đánh, nên em liền từ chối”, Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, sau đó, do thấy mức thù lao khá cao, lại đang đến kỳ phải đóng đủ thứ tiền, như học phí, tiền thuê nhà trọ, nên cậu đành đánh liều vào vai chú rể.

Bi hài phận làm chú rể thuê ảnh 1
Nhiều chú rể "hờ" phải chịu những trận đòn vô cớ. (Ảnh minh họa)
Ngay ngày hôm sau, Tuấn Anh được chủ cửa hàng dịch vụ cưới hỏi dẫn đi gặp cô dâu để chụp ảnh cưới. Cô dâu bằng tuổi cậu, nhưng do “trót dại” với cậu bạn trai cũ nên đã có bầu được 4 tháng. “Lúc gặp cô dâu, em đã định xin hủy hợp đồng vì thấy rất ngại, tự dưng đi chụp ảnh cưới với 1 cô gái không quen biết, lại đang có bầu, lỡ sau này ai mà thấy tấm ảnh đó thì rất phiền phức. Nhưng sau thấy cô ấy khóc lóc, năn nỉ, em lại mềm lòng, đành làm chú rể bất đắc dĩ chụp vài bức ảnh cưới vậy”, Tuấn Anh cho biết. Chụp ảnh cưới xong, cậu được cô dâu dẫn đi mua một bộ đồ vest và áo sơ mi trắng cho vai chú rể sắp tới. Sau đó, cô dâu mời đi ăn tối để trò chuyện, cho xem ảnh các thành viên nhà gái và thống nhất cách nói chuyện khi gặp bố mẹ vợ tương lai. Dù đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng khi đám cưới diễn ra, Tuấn Anh vẫn gặp phải vô số các sự cố dở khóc dở cười. Đầu tiên là việc bố đẻ cậu (do một bác đã nghỉ hưu đóng) cứ liên tục quên tên, gọi nhầm tên cậu với tên cậu con trai út nhà bác ấy, khiến cho đằng nhà vợ liên tục phải mắt chữ O, mồm chữ A. Chưa hết, khi hỏi về quê quán, chú rể thì nói ở tận Hà Giang, còn bố chú rể thì lại hồ hởi khoe về mảnh đất quê hương ở Ninh Bình. Rất may, cô dâu nhanh trí lý luận là quê gốc ở Hà Giang, nhưng sau đó cả gia đình chuyển về Bắc Giang sinh sống từ nhỏ, nên đây cũng được coi là quê hương thứ hai. “Mệt mỏi nhất là khi trả lời các câu hỏi của nhà gái về việc vì sao không chịu về quê ra mắt, rồi bị trách móc là cưới vội vàng, gấp gáp quá. Thậm chí còn bị đe là “đã làm con gái họ ra nông nỗi này, nếu không ăn ở với nhau cho tử tế thì họ sẽ không để yên. Nghe qua thôi, em cũng đã sởn da gà rồi. Cũng may là em không để lộ thân phận thực sự. Nhưng nói chung trái đất này tròn lắm, biết đâu lúc nào đấy lại phải gặp họ, nên em cũng hơi sợ sợ”, Tuấn Anh cho hay. Giống như Tuấn Anh, nhưng Lâm (công nhân một nhà máy cơ khí ở Hà Nội) cũng từng đi làm chú rể thuê, nhưng rắc rối cậu gặp phải không phải trong đám cưới giả, mà là chính trong đám cưới thật của đời mình. Lâm kể lại, trước đây do bố anh bị ốm nặng, nên để có tiền cho bố chữa trị bệnh tật, anh đã 2 lần đi làm chú rể thuê cho 2 chị đều là người có kinh tế khá giả, với giá 4 triệu đồng/lần. Bằng đi gần 2 năm, với ngoại hình khá điển trai, Lâm được một cô gái khá xinh xắn, gia đình lại khá giả để ý, đem lòng yêu thương. Khi hai người quyết định tiến tới hôn nhân, thì không hiểu từ đâu, bố mẹ người yêu Lâm lại có được những tấm hình cưới chụp từ hồi anh còn đi làm chú rể thuê. Dù đã cố gắng giải thích, nhưng gia đình nhà gái vẫn kiên quyết phản đối đám cưới và yêu cầu anh phải tránh xa con gái họ ra vì cho rằng anh đang lừa dối, đã từng một đời vợ rồi mà vẫn nói là chưa bao giờ kết hôn. “Tôi đã tưởng chuyện xảy ra lâu rồi và cũng đã cam kết rõ ràng trong hợp đồng là sau khi làm đám cưới xong, tất cả các bức ảnh chụp đều sẽ bị hủy, nhưng không hiểu sao, họ vẫn lưu giữ và bằng cách nào đã chuyển đến tay nhà vợ tương lai của tôi”, Lâm buồn rầu nói. Giống như Lâm, Nam cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi chấp nhận đi làm chú rể “hờ”. Cô dâu nhờ Nam đóng thế đã có bầu 5 tháng, nhưng do lúc mang bầu thì bạn trai cô đi nước ngoài, nên không hề hay biết. Dù đã giải thích nhiều lần, nhưng bố mẹ vẫn không chấp nhận cảnh “con gái chưa chồng mà chửa”, hơn nữa, tâm lý lo lắng “chắc gì khi về nó đã cưới”, nên bàn đi tính lại, cuối cùng, cả gia đình cô gái quyết định thuê chú rể để làm đám cưới giả, sau đó bạn trai cô về sẽ coi như là người đã làm đám cưới với cô. Đến ngày cưới, do được sự hậu thuẫn của nhà gái, nên mọi chuyện đều diễn ra khá suôn sẻ, không gặp trục trặc gì. Tuy nhiên, đúng lúc cô dâu chào bố mẹ, người thân, chuẩn bị lên ô tô về nhà chồng, thì bạn trai của cô dâu lù lù xuất hiện. Chưa cần nghe giải thích, Nam bị cậu bạn trai này đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng. Còn gia đình nhà gái cũng bị một phen mất mặt vì mọi người bàn tán không biết ai là chú rể thật, ai là chú rể giả, ai là cha của đứa bé. “Vừa bị đánh cho tơi tả, lại bị phát hiện, nên tôi chỉ nhận được một nửa số tiền như đã cam kết ban đầu. Từ đó, tôi chừa, không dám đóng vai chú rể hờ nữa”, Nam nhăn nhó nói.
Theo Ngọc Vy (VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm