Bi hài những mối tình mai mối

Bi hài những mối tình mai mối ảnh 1
Nam (SN 1972, Hà Tây cũ) sau khi học xong lớp 12 ở trường làng, thi đại học trượt anh khăn đùm khắn gói vào Sài Gòn học nghề với mong muốn về làng mở một hiệu sửa chữa xe máy. Khi học xong, ông chủ nơi anh học lại nhận anh vào làm với mức lương mơ ước. Nam đành tạm quên mơ ước ngày nào và hăng say với công việc đã chọn. Cứ thế, thời gian trôi đi, hăng say công việc quá, anh cũng quên luôn cả việc lấy vợ.

Vì là con trưởng trong nhà, “đàn anh” mà chưa yên bề gia thất thì “đàn em” chớ có qua mặt. Bởi thế, bố mẹ họ hàng mới nhờ người mai mối tìm cho anh một cô vợ ưng ý. Một lần, trong khi từ Sài Gòn về quê ăn Tết, bà mối tên Mai ở cùng làng đã ngỏ ý mai mối cho Nam một cô kém anh đúng một giáp. Theo bà mối, Huyền là một cô gái tốt, ở làng bên, vốn là con nhà nông thuần túy, rất chịu thương chịu khó và cũng đang rất muốn lấy chồng. Vốn tính nhút nhát, không giao tiếp rộng cũng chẳng chơi với cô bạn gái nào, nghe lời bà mối cùng sự vun vào của gia đình, 20 ngày sau Nam làm đám cưới với Huyền.

Sau đám cưới, hai vợ chồng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp, Nam vẫn làm chỗ cũ còn Huyền ở nhà chờ cơ hội xin việc làm thêm. Thời gian đó, cứ đi làm thì thôi, chiều về, Nam thường tranh thủ đi tìm việc cho vợ. Và lúc này, Nam phát hiện ra, vợ mình cũng chẳng “hay lam hay làm” chịu thương chịu khó như bà mối nói. Bảo làm gì vợ Nam cũng từ chối khéo không hợp, không quen đường đi lối lại trong Sài Gòn… và chỉ thích ở nhà.

Dần dần, đứa con đầu lòng ra đời, khi con được 1 tuổi, kinh tế hai vợ chồng càng khó khăn nhưng nhất định Huyền cũng không chịu đi làm. Chỉ biết ở nhà bế con và ngồi lê chuyện hàng xóm, việc nhà cũng không mó tay, mặc cho Nam đi làm về lại lao vào bếp. Nhiều lúc, Nam muốn bỏ vợ cho xong vì anh không thể chiều nổi cái thói lười biếng của vợ nhưng nghĩ thương con, anh đành nín nhịn. Rồi đứa con trai thứ hai ra đời vẫn chỉ có mình anh đi làm. Tết năm ngoái, vợ chồng Nam ra Bắc thăm bố mẹ và gặp lại bà mối ngày xưa. Nhìn thấy vợ chồng Nam vui vẻ, có “đủ nếp đủ tẻ” liền cười hớn hở vỗ vai Nam và nói: “Đấy thấy bác mát tay chưa cháu!”. Nam lúc đó chỉ nở nụ cười gượng gạo, chưa bao giờ Nam thấy bà mối vô duyên đến thế.

Trường hợp của Thắm (Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Tây cũ) cũng bi hài không kém. Thắm bán hàng lặt vặt trong căngtin của một trường cấp 2 ở Hà Nội. Trường này đa phần là con nhà khá giả nên việc bán hàng của Thắm khá đắt hàng. Mỗi tháng, Thăm thu nhập ngót chục triệu đồng. Với người mới học hết lớp 12 như Thắm thu nhập như vậy quả là niềm mơ ước của nhiều người. Cứ thế, mải mê công việc Thắm quên luôn việc “con gái có thì” và giật mình khi mình đã 30 tuổi.

Nhờ mai mối, Thắm kết bạn với Trung (công nhân công ty cơ khí tại Hà Nội, trú ở Từ Liêm). Ông "mai" không tiếc lời khen Trung, gia đình khá giả, đất đai thẳng cánh cò bay, Thắm mà lấy được Trung quả là thật may lắm, “trâu chậm uống nước trong”...

Bùi tại lại ưng con mắt, nghĩ tới thời điểm này cũng chả có cơ hội “kén cá chọn canh” đám cưới của Thắm với Trung cũng nhanh chóng được diễn ra. Chỉ tiếc là, sau nửa năm chung sống, Thắm đã phát hiện ra nhiều điểm không thể dung hoà được với chồng. Thêm vào đó, bố mẹ Trung mặc dù sống chung nhà nhưng họ đã ly thân, suốt ngày cãi vã và lôi Thắm vào cuộc để phân xử ai đúng ai sai. Hai ông anh chồng và một cậu em chồng chả hiểu vì lý do gì mà toàn hơn 30 đều chưa vợ con gì. Đi làm vất vả, về nhà phục vụ bằng ấy người khiến nhiều lúc Thắm muốn buông xuôi, thà ở vậy cho đỡ mệt thân nhưng vì sinh linh bé bỏng trong bụng, Thắm đành cắn răng chịu đựng hy vọng tương lai tốt đẹp hơn.

Tình cờ có lần về quê, Thắm gặp lại ông mai ngày nào. Kìm nén bao nhiêu lâu, giờ Thắm mới có dịp xả, và nói với ông mai “mát tay” từ giờ đừng đi “gieo hoạ” cho người khác nữa. Ông mai ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì nhưng thấy thái độ của Thắm như vậy, ông đành bước đi nhanh chóng.

Hạnh phúc là cả một quá trình tích luỹ chứ không thể ngày một ngày hai. Việc nhận lời kết hôn chóng vánh, chưa có sự tìm hiểu kỹ càng thì dù là mai mối hay duyên “trời định” thì cũng có một kết cục đáng buồn.
Theo Vietnamnet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm