Bị đuổi việc vẫn được "trợ cấp" hàng chục triệu đôla

Nhân viên rời công ty thường chỉ nhận được khoản trợ cấp thôi việc khiêm tốn, thậm chí chỉ một bữa tiệc chia tay anh em. Nhưng với các sếp Tổng, “phần” của họ hơn thế rất, rất nhiều.

Khi nghỉ hưu (hoặc “phải” nghỉ hưu) các sếp thường nhận được hàng triệu USD. Và dù công luận có phẫn nộ với chuyện này, những gói “trợ cấp thất nghiệp” trị giá hàng triệu USD vẫn là chuyện thường tình.
Món quà kỷ niệm

Theo phân tích của công ty Equilar, gói “trợ cấp” lớn nhất năm 2012 là cho CEO James J. Mulva của ConocoPhillips sau 10 năm công tác. Tổng cộng, ông này nhận được 156 triệu USD bao gồm lương, thưởng và các khoản hỗ trợ khác cho thời gian làm việc tại công ty.

“Chúng tôi cộng tổng tất cả các khoản tiền nhận được sau khi hết nhiệm kỳ CEO để tính giá trị gói trợ cấp thôi việc,” Giám đốc nghiên cứu Aaron Byrd tại Equilar cho biết.

Trong trường hợp của Mulva, ông này nhận được nhiều tiền chủ yếu là do thị giá cổ phiếu tăng. Nhưng ông cũng nhận cả tiền mặt, thưởng và một số khoản khác khi về hưu nữa.

Trong top 10 do Equilar tổng hợp, có bốn người là cựu CEO các công ty dầu khí lớn, bao gồm Sunoco và El Paso Corporation.

Ở một số công ty, CEO sẽ tiếp tục nhận được nhiều triệu USD sau khi nghỉ hưu. Ngoài gói “trợ cấp thôi việc” 46 triệu USD năm 2012, cựu CEO Edward D. Breen của Tyco International còn nhận được cổ phiếu hoãn lại trị giá 55,8 triệu USD vào năm 2013. Hiện ông Breen vẫn là Chủ tịch HĐQT và sẽ nhận thêm khoản lương hưu trả một lần trị giá 30 triệu USD vào năm 2016.

Phát ngôn viên Brett Ludwig của Tyco nói thành công của công ty “phần nào nhờ các quyết định chiến lược của ông Breen và HĐQT Tyco khi thành lập năm công ty đại chúng, và cả năm công ty này đều dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình”.

Ra đi cho đỡ tủi

Các “sếp” có thể được trả rất nhiều tiền sau khi công ty bị thâu tóm. Douglas Foshee thu về hàng triệu USD sau khi công ty năng lượng El Paso của ông bị Kinder Morgan mua lại.

Các gói “trợ cấp thôi việc” khủng cho CEO (còn gọi là “dù vàng”) bắt đầu trở nên phổ biến từ thập niên 1980 khi các vụ thâu tóm thù địch liên tục diễn ra. HĐQT các công ty hiểu nếu không “được gì”,

CEO sẽ không muốn thỏa thuận bán công ty cho người ngoài nếu họ không giữ được ghế. Thế nên, hợp đồng lao động của họ được bổ sung thêm đủ các ưu đãi khi thôi việc, từ nhận khoản thưởng một lần trị giá vài năm tiền lương tới bảo hiểm y tế loại “hoàng gia”.

PGS Mark Kennedy từ Trường Kinh doanh Imperial College tại London nói: “Không ai biết họ còn nhận được những gì nữa.”

Theo PGS Kennedy, hơn 60% các công ty trong nhóm Fortune 500 có “dù vàng” từ trước năm 1990. Hiện nay, khoảng 82% CEO của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 sẽ được “thưởng” bằng tiền mặt nếu bị thay thế.

“Cái cần phải làm khác đi là đừng có “trợ cấp thất nghiệp” cho những CEO có thành tích kém cỏi,” PGS Kennedy nói.

Đuổi đi cũng được tiền

Ngay cả những CEO bị “mời khỏi văn phòng” cũng nhận được lương khủng. Cựu Chủ tịch và CEO John R. Charman của công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm Axis Capital Holdings có trụ sở tại Bermuda đã nhận được 26,5 triệu USD khi rời công ty.

Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo tại Bermuda, ông Charman gọi việc ông bị “lật” khỏi Axis Capital là “một hành vi phản bội kinh khủng.”

Năm ngoái Axis tuyên bố ông Charman mất chức Chủ tịch “mà không cần lý do” sau khi HĐQT không thể giải quyết “những bất đồng với ông Charman về vai trò và trách nhiệm của vị trí Chủ tịch.”

Sau đó ông Charman về làm Chủ tịch và CEO của công ty bảo hiểm Endurance Specialty và nhận được 35 triệu USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng và 800.000 quyền chọn cổ phiếu.

Cổ đông hiện đang phản đối nhiều gói “trợ cấp” kiểu này. Các công ty tư vấn cho rằng cổ đông nên phủ quyết các gói “trợ cấp” quá hào phòng. Tuy vậy, nhiều trường hợp biểu quyết của cổ đông lại không có tính chất bắt buộc.

Các đạo luật như Sarbanes-Oxley năm 2002 và Dodd-Frank 2010 đã thử tìm cách thu hồi tiền thưởng của các “sếp” nếu không xứng đáng. Nhưng trong nghiên cứu năm 2011 của GS Luật Jesse M. Fried từ ĐH Havard, phần lớn các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đều không có các chính sách thu hồi tiền thưởng hiệu quả.

“Cứ đọc các chinh sách này khắc rõ, chúng chẳng chặt chẽ gì cả,” GS Fried nói. “Tất cả đều phát xuất từ một vấn đề: các TV.HĐQT không trả lương cho CEO bằng tiền của mình.”

Một số công ty đã đàm phán lại gói “trợ cấp thất nghiệp” khi CEO ra đi. Ví như CEO Vikram Pandit của Citigroup đã đồng ý từ bỏ món “quà kỷ niệm” trị giá 26,6 triệu USD khi ông bị buộc từ chức vào tháng 10/2011.

Tuy vậy, HĐQT vẫn thưởng Pandit 6,7 triệu USD vào năm 2012 vì thành tích năm đó của công ty.
TTVN/NY Times

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm