Bị cắt tiền bồi thường

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) có hơn 8.700 m2 đất nhưng “giấy đỏ” chỉ ghi 7.700 m2. Năm 1996, ông thế chấp “giấy đỏ” này cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh (sau đây gọi tắt là ngân hàng) để vay 100 triệu đồng.

Lấn cấn giá khởi điểm

Do ông Vĩnh không trả được nợ nên ngân hàng đã thưa ông ra tòa. Tháng 6-1997, TAND huyện Hòa Thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, ông Vĩnh phải trả cho ngân hàng hơn 135 triệu đồng cả vốn lẫn lãi trong năm tháng.

Để cưỡng chế thi hành án, Thi hành án huyện Hòa Thành đã phát mại 7.700 m2 đất trong “giấy đỏ”. Theo đo đạc của Phòng Địa chính huyện Hòa Thành, ông Vĩnh được chừa lại hơn 1.000 m2 đất (nằm ngoài “giấy đỏ”). Năm 1999, ngân hàng thông báo giá khởi điểm cho 7.700 m2 đất trên chỉ hơn 300 triệu đồng (tính ra một m2 đất chưa tới 40 ngàn đồng). Sau hai lần tổ chức đấu giá thất bại (không có người mua), Trung tâm Bán đấu giá tài sản Tây Ninh đã chuyển hồ sơ cho ngân hàng bán đấu giá.

Năm 2002, thay vì định giá lại tài sản, ngân hàng lại tiếp tục dựa vào mức giá khởi điểm cũ để làm giá khởi điểm cho phiên đấu giá mới. Cuối cùng, ngân hàng đã bán 7.700 m2 đất cho bà V. với giá 385 triệu đồng. Cho rằng mình bị thiệt vì giá đó rất “bèo”, ông Vĩnh đã khởi kiện yêu cầu hủy bỏ việc đấu giá trên.

Tuy nhiên, án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh và phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vào năm 2006 đều xử cho ngân hàng thắng kiện với lý do giá khởi điểm của ngân hàng dựa vào khung giá được UBND tỉnh Tây Ninh ban hành năm 2001.

Liệu việc xác định giá khởi điểm trong vụ án này đã hợp lý hay chưa khi theo Thông tư liên tịch số 02 năm 2002, giá khởi điểm phải được xác định trên cơ sở giá thị trường vào thời điểm bán. Ông Vĩnh bức xúc: “Vào năm 2002, giá này chưa mua nổi 10 kg gạo hoặc một ký rưỡi thịt heo!”.

Bồi thường sai đối tượng

Như vậy, trừ đi phần đất đã bán đấu giá, ông Vĩnh còn hơn 1.000 m2 đất. Trong số đất này, người vợ cũ của ông Vĩnh sử dụng một phần; ông Vĩnh sử dụng phần đất còn lại tiếp giáp với lộ giới quốc lộ 22B.

Năm 2005, khi thu hồi đất để mở đường, UBND huyện đã làm thủ tục để bồi thường cho bà V. cả số đất mà ông Vĩnh đang sử dụng (!). Sau hai năm khiếu nại, ông Vĩnh đã được huyện này hoàn trả tiền đền bù nhà. Riêng phần đất (hơn 26 triệu đồng) thì “hãy đợi đấy!” vì bà V. đang tranh chấp. Ông Vĩnh không hài lòng với cách xử lý nhì nhằng của địa phương: “Phần đất bị giải tỏa của tôi là hơn 110 m2, không liên quan gì đến số đất mà bà V. đã trúng đấu giá. Vụ việc đơn giản vậy mà sao chính quyền không giải quyết dứt điểm?”.

Được biết, qua xác minh, Thanh tra tỉnh Tây Ninh cũng đã kết luận yêu cầu đòi bồi thường đất của ông Vĩnh là chính đáng vì phần đất đó hoàn toàn nằm ngoài số đất mà bà V. đã mua hợp pháp. Chi tiết này có giúp ông Vĩnh thắng kiện trong phiên tòa xử vụ tranh chấp của bà V. tới đây để ông đỡ phần thiệt hại?

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm