Bị can tâm thần: Thiếu luật sư cũng không sao?

Tháng 4-2008, bị cáo Phạm Văn Thắng (ngụ thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nguyên giám đốc Công ty Xây dựng công trình giao thông Lâm Đồng bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sẽ không có gì phải bàn nếu trong phiên tòa phúc thẩm này, viện và tòa thống nhất được với nhau về hướng xử lý vụ án.

Luật sư và viện nói vi phạm

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 1999 đến năm 2003, khi đang đương chức, Thắng đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ hơn một tỷ đồng nhưng không có chứng từ. Sau đó, các khoản chi này đã được hợp thức hóa bằng cách lập phiếu chi khống... VKSND tỉnh Lâm Đồng đã lập cáo trạng truy tố Thắng ra tòa về tội danh trên theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Tháng 8-2007, TAND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt Thắng chín năm tù. Ngay sau đó, Thắng kháng cáo kêu oan.

Tháng 4-2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tại tòa, đại diện VKS và luật sư của bị cáo đều cho rằng các cơ quan pháp luật của tỉnh Lâm Đồng đã vi phạm thủ tục tố tụng. Theo bản giám định pháp y tâm thần tháng 5-2007 của Bệnh viện Tâm thần trung ương thì “trước, trong và sau khi gây án, Thắng bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực các giai đoạn hưng phấn cảm tái phát. Khi gây án, Thắng vẫn nhận thức và điều khiển được hành vi nhưng bị hạn chế do bị bệnh”. Nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra lại không cử luật sư hoặc yêu cầu đại diện hợp pháp của bị can mời người bào chữa cho bị can. Cách xử lý này không đúng với quy định nêu tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Lại nữa, vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ... Luật sư của bị cáo đã đề nghị tòa phúc thẩm hủy án và tuyên xử bị cáo Thắng không phạm tội. VKS thì đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tòa nói “không”...

Sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, tòa cấp phúc thẩm cho rằng ý kiến của VKS và luật sư không có căn cứ. Bởi lẽ khi các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Thắng đã khai báo vụ việc rất rõ ràng và sau đó còn kêu oan. Tự bản thân bị cáo không hề khiếu nại gì về việc bị bệnh tâm thần. Mãi đến tháng 5-2007 (sau khi có bản kết luận điều tra của công an tỉnh), gia đình bị can mới có đơn khiếu nại và cơ quan điều tra đã cho bị can đi giám định. Kết quả là bị can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo được một luật sư bào chữa. Như vậy, cơ quan điều tra không vi phạm thủ tục tố tụng như nhận xét của VKS và luật sư. Do đó, tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận việc Thắng kháng cáo kêu oan.

Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp Luật TP.HCM, bị cáo Thắng đã có biểu hiện bị bệnh tâm thần từ năm 2003. Chính vì thế mà vào tháng 8-2003, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định cho phép ông Thắng nghỉ việc để đi chữa bệnh. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng, bị cáo được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Tại đây, ông được chẩn đoán mắc bệnh “bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực”.

Tháng 9-2006, ông Thắng lại được gia đình đưa đi điều trị tại Biên Hòa lần nữa và bệnh viện này kết luận ông “bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hưng cảm”. Cuối tháng 9-2006, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố Thắng. Khi Thắng bị bắt, vợ ông đã nộp đơn đến Công an tỉnh Lâm Đồng xin bảo lãnh cho chồng được tại ngoại để khám và điều trị bệnh. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được chấp thuận với lý do vụ án đang trong quá trình điều tra và Thắng không có dấu hiệu bị tâm thần.

Liệu cơ quan điều tra có chủ quan vì không thể nói cơ quan này không biết Thắng có tiền sử bệnh tâm thần? Ngay trong giai đoạn điều tra, phải chi Công an tỉnh chặt chẽ hơn với việc yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can có nhược điểm về tâm thần, quá trình giải quyết vụ án đã không vấp phải những thiếu sót không đáng có.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm