Bê-tông hóa lề đường dễ gây ngập nặng

Với việc đầu tư tiền tỷ để làm lề đường bằng bê-tông, chính quyền TP.HCM đang bị dư luận và nhiều cơ quan truyền thông “kêu rêu” về những lãng phí liên quan. Cũng phải thôi vì làm sao có thể dễ dàng chấp nhận việc toàn bộ lề đường đều bị đào bới để làm lại, trong số đó có nhiều đoạn lề còn rất tốt (như đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng - gần UBND quận 1...). Đáng nói là việc dùng máy cưa cầm tay để cắt dát những khối đá xanh đã có từ hàng trăm năm nay vừa không ích lợi, vừa tốn kém. Bởi lẽ với chiều cao chừng 10 cm, các khối đá ấy không gây trở ngại gì cho người đi bộ.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hà Nội cũng đang làm lại lề đường nhưng họ làm khác với TP.HCM. Họ không dùng nhiều bê-tông, đá xanh mà sử dụng cát loại thường và gạch xi măng ép hình lục giác (giống như gạch con sâu nhưng màu sắc và kiểu dáng phù hợp hơn). Với cách làm này, chi phí phải bỏ ra không cao, khi cần thi công những công trình ngầm cũng dễ cạy lên; giúp thoát nước tốt khi trời mưa, bảo tồn được nguồn nước ngầm và tạo điều kiện cho cây xanh phát triển.

Ngoài việc gây hao tốn, việc bê-tông hóa lề đường còn gây ra nhiều tác hại, nguy cơ. Đó là đường phố sẽ bị ngập nặng nề hơn do thiếu nơi thoát nước; cây xanh èo uột, ngã đổ hoặc chết hàng loạt vì thiếu nước; lượng nước ngầm sẽ thiếu hụt, đất sẽ lún sụt thêm; thành phố sẽ nóng hơn vì mức độ hấp thu nhiệt và tỏa nhiệt của bê-tông xi măng không hề kém nhựa đường...

Thay đá xanh bằng gạch con sâu

Để khắc phục, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP.HCM nên làm lề đường bằng gạch khối nhỏ (dạng con sâu hoặc tương đương) hoặc gạch xốp hút nước (nếu có khả năng), màu sắc phù hợp cảnh quan chung và cát lót bên dưới, có chừa kẽ hở để thoát nước, không dùng xi măng để liên kết. Ở những đoạn lề còn khối đá xanh, các cơ quan hữu quan nên cạy lên và sắp xếp cho ngay ngắn, không dùng máy cắt để cắt làm mất giá trị khối đá và lãng phí tiền của. Nếu thiếu, chúng ta có thể lấy đá cũ ở đường khác bổ sung cho đồng bộ, không dùng đá mới, thiếu tính thẩm mỹ. Những đoạn lề không có đá xanh thì bó mép ngoài bằng xi măng dát cạnh để xe cộ dễ lên xuống và đồng nhất với các đoạn đường mới làm khác.

Việc bố trí lối đi lên lề đường cần đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện lợi, không nên làm tràn lan mà chỉ nên tập trung ở các lối đi băng qua đường dành cho người đi bộ (chỗ có kẻ vạch sơn sọc ngang). Đối với lề đường liền kề nhà ở của dân cư, chính quyền có thể thiết kế lề bằng xi măng vát cạnh đều; nếu sử dụng đá xanh thì chỉ nên thiết kế ở một vài điểm tập trung, không phải nhà nào cũng làm lối đi riêng vì dễ phá vỡ mỹ quan của lề đường.

Những đường có trồng cây xanh nên chừa khoảng diện tích đất xung quanh gốc cây phù hợp với kích cỡ của cây và diện tích lề đường. Cây lớn, lề đường lớn thì chừa nhiều; cây nhỏ, lề đường nhỏ thì chừa ít nhưng cũng phải đủ để cung cấp nước, phân bón cho cây; phần đất chừa xung quanh gốc nên thấp hơn lề đường khoảng 5-10 cm để nước dễ chảy vào. Không nên dùng xi măng để trùm bít gốc cây mà nên trồng cỏ tự nhiên để dễ tưới nước, giữ độ ẩm cho cây...

L.N.T (longecus@gmail.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm