Bất lực trước nạn bày bán chim trời

Khu chợ này được mọc lên tự phát và dần lấn chiếm khu chợ tạm vốn được UBND huyện Thạnh Hóa cấp phép trước đó vốn chỉ được phép bày bán nông sản.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực này hiện nay có 22 hộ chuyên bày bán các loại chim, cò hoang dã với số lượng lên đến hàng ngàn con. Chim được nhốt trong lồng, cột treo bằng dây, một số đã chết bị vặt trụi lông treo bày bán cho người đi đường với giá trung bình vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/kg.

UBND tỉnh Long An đã từng có nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện Thạnh Hóa chấn chỉnh lại hoạt động khu chợ này, đồng thời vận động người dân không mua bán các loài chim, cò hoang dã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và phản cảm, nhất là ở thời điểm Khu bảo tồn Láng Sen của tỉnh này vừa được công nhận khu Ramsar của thế giới. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn không có gì thay đổi.

Các loại chim, cò được bày bán tại khu chợ. Ảnh: HOÀNG NAM

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản xử phạt tám trường hợp bán các loài chim nằm trong danh mục cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, các loài chim thường được bày bán ở khu chợ này là vạc, cò trắng, trích, cu gáy, cu ngói, chim quốc, còng cọc, cò ruồi, le le nâu, chim sáo nâu, vịt trời... ‘‘Đáng nói là các loài chim, cò nói trên không nằm trong danh mục động vật quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và động vật rừng thông thường theo Thông tư 47/2012 của Bộ NN&PTNT ngày 25-9-2012 về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Do đó, lực lượng kiểm lâm không thể xử phạt. Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị nên đưa tên các loài chim, cò nói trên vào danh mục để được bảo vệ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi’’ - ông Lợi cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm