Bất an với các bẫy trên đường

Cảnh giác với trời mưa

Mỗi khi vào mùa mưa thì TP.HCM thường có nhiều cái chết thương tâm xuất phát từ việc cơ sở hạ tầng thiếu hoàn chỉnh. Cũng có thể là sự trùng hợp vô tình nhưng những cái chết như thế cứ ám ảnh tôi. Người bị dây điện đứt văng trúng giật chết; người bị sụp hố ga dẫn đến tử vong; người thì cán vào cục đá do ai đó thi công ẩu tả té lăn ra đường, bị xe tải cán... Đau lòng quá!

Trước những vụ việc không may, một vài người tặc lưỡi: “Sống chết có số!”. Nhưng nếu như “ông điện” làm hết trách nhiệm thì khó có chuyện dây điện rơi xuống; nếu cơ quan chức năng xử lý kịp thời những hố sâu thì đâu nên nỗi; nhà thầu kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ không tạo ra những cái bẫy...

Làm sao để những người dân như tôi tránh được những sự cố bất ngờ như trên? Còn nhớ một buổi sáng mùa mưa năm trước, khi đang đi trên đường Âu Cơ, bất ngờ tôi bị những xe máy phía sau tông té chúi nhũi, rồi nhiều người chạy qua đạp phải. Chưa hiểu nguyên nhân nhưng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, tôi cũng vùng dậy chạy theo và lại bị vấp ngã bầm dập nhiều lần. Đến khi định thần dừng lại, tôi mới biết phía sau có dây điện rớt xuống vũng nước và một phụ nữ đã tử vong khiến những người đi đường hoảng loạn. Cách đây mấy hôm, tôi lại bị té xuống đường khi sụp phải một hố hàm ếch trên đường mà lúc ấy nước ngập gần tới gối do trời mưa. Tuy không có thương tích nhưng tôi đã nuốt nhiều ngụm nước hôi thối khi lõm bõm trong “con đường sông” bất đắc dĩ.

Trong khi nhiều cá nhân và đoàn thể đang làm mọi cách để giảm thiểu tai nạn cho cộng đồng như cắm cành cây báo hiệu có hố sâu mới xuất hiện, nhặt những cục đá lớn vương vãi trên đường, dùng xe hút đinh rải trên quốc lộ… thì một số cơ quan và đơn vị thi công vẫn giữ thói quen làm việc cẩu thả để gây ra những hậu quả đáng tiếc. Phải lý giải sao về việc này?

TRẦN MAI TRÂM (19/26 Khuông Việt, quận Tân Phú, TP.HCM)

Hiểm nguy chực chờ

Mỗi khi đi ra khỏi nhà, trong lòng tôi lúc nào cũng bồn chồn lo lắng vì không đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra với mình: Bị xe khác tông, dây điện đứt rơi trúng, sụp hố ga...? Không phải vì thần kinh tôi yếu mà thực tế điều đó đã xảy ra đối với nhiều người.

Bất an với các bẫy trên đường ảnh 1

Khi đường ngập nước do mưa, mọi người rất dễ bị tai nạn từ những chiếc hố không nắp đậy như thế này. Ảnh: THÀNH NHÂN

Lúc thì một bé trai hụt chân rơi xuống hố ga nhưng không ai phát hiện dẫn đến chết; một ông già chở hai đứa nhỏ đến trường học bị xe buýt tông chết cả ba; một học sinh vào máy ATM ngồi chơi thì bị điện rò rỉ giật chết; một phụ nữ chạy xe máy đang đi trên đường thì bị dây điện đứt rơi trúng vào người khiến cả người lẫn xe té ngã xuống vũng nước; một phụ nữ 60 tuổi đi tập thể dục trong công viên thì bị một nhánh cây rơi xuống trúng phải nhập viện; một người đàn ông trung niên chạy xe máy từ Đồng Nai lên TP.HCM để thăm con thì bị xe ben chở đá quẹt té xuống đập đầu vào hố ga…

Đồng ý là mọi người có thể thận trọng đề phòng nhằm hạn chế những sự cố đó xảy đến với mình. Như chúng ta cần chạy xe chậm đúng tuyến đường, nếu nghe có tiếng xe nẹt pô, bóp còi inh ỏi ở đằng sau thì nên tấp xe vào lề nhường cho họ đi qua rồi mới đi tiếp… Đối với các khúc đường bị ngập mà không biết dưới dòng nước đục ngầu đó mặt đất cạn hay sâu, có “ổ voi”, hố ga bị hư hay không, chúng ta nên hỏi thăm người dân sống ở hai bên đường, hoặc chờ những người rành đường đi né như thế nào rồi mình theo sau, hay tốt nhất tìm đường khác đi. Nhưng chẳng lẽ các cơ quan hữu quan lại vô can trước những hiểm nguy chực chờ mà dẫu hết sức nỗ lực thì ai cũng có thể là nạn nhân?

NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM)

Phải có người nhận trách nhiệm chứ!

Gần đây, tôi thường thấy có nhiều hố ga, miệng cống thiếu nắp đậy hoặc bị hư bể nằm rải rác trên những con đường đông đúc. Biết đâu đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm không đáng có như đã xảy ra.

Với tôi, cứ mỗi khi trời mưa lớn mà có chuyện phải ra đường thì y như rằng không sụp hố cũng lọt vào những ổ gà, ổ voi trên đường do nước ngập. Một lần, trên đoạn đường quen thuộc dài độ năm, bảy trăm mét dẫn về nhà bị ngập một màng nước trắng xóa, xe tôi đang chạy bon bon thì bất ngờ bị trượt ngang rồi ngã mạnh. Bản thân tôi bị văng vào lề hơn 2 m nhưng rất may chỉ bị trầy trụa sơ sơ. Gắng gượng đứng dậy để tìm hiểu nguyên nhân, tôi mới biết một đơn vị vừa đào con mương rộng khoảng 0,3 m để đặt ống dẫn nước chạy chéo ngang con lộ nhưng họ chẳng hề có biển báo đề phòng cho người lưu thông biết. Tôi chưa kịp rời khỏi chỗ té thì thêm một chiếc xe gắn máy khác chở hai thanh niên chạy tới và một tiếng rầm vang lên vì sụp xuống mương. Cả hai cùng văng ra giống như tôi ít phút trước nhưng có vẻ đau nhiều hơn tôi vì họ chạy với tốc độ cao. Người dân sống chung quanh thấy vậy liền bưng nguyên cái giỏ rác đặt ra giữa đường cảnh báo cho mọi người giảm tốc độ khi chạy ngang qua. Đứng lại quan sát, tôi thấy cái giỏ đã phát huy tác dụng tốt, bởi sau đó có nhiều người chạy đến liền giảm tốc độ vượt qua con mương, tuy hơi chao đảo nhưng không bị té ngã nữa.

Theo tôi, các đơn vị thi công phải luôn xem biển báo chính là công cụ để góp phần bảo vệ an toàn cho mọi người dân. Khi có tai nạn dẫn đến chết người, nhất định phải có đơn vị nào đó đứng ra nhận trách nhiệm và phải bị xử lý thật nghiêm nhằm làm gương cho các đơn vị khác.

NGUYỄN XUÂN DŨNG (127/12B Phạm Hùng, quận 8, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm