Bao nhiêu tuổi được tham gia hiến máu nhân đạo?

Bà Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, cho biết mọi người có thể đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM (106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM - ĐT: 028.38685508) để tham gia hiến máu tự nguyện.

Lịch làm việc của trung tâm như sau: Từ thứ Hai đến thứ Sáu: Sáng: Từ 7 giờ đến 11 giờ. Chiều: Từ 13 giờ 30 đến 16 giờ. Thứ Bảy và Chủ nhật: Làm việc buổi sáng.

Theo bà Tố, khi đi hiến máu nhân đạo nhớ mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Tham gia hiến máu nhân đạo vào buổi sáng thì ăn sáng vẫn được nhưng không uống sữa và cà phê.

Một phụ nữ ở TP.HCM tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: TRẦN NGỌC

Điều kiện tham gia hiến máu tình nguyện còn được đăng tải trên website của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM (http://hienmaunhandao.org.vn).

Cụ thể: Tất cả mọi người từ 18 tuổi đến 60 tuổi, thực sự tình nguyện hiến máu để cứu người. Cân nặng ít nhất 42 kg đối với nữ và 45 kg đối với nam giới. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml.

Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác. Thời gian giữa hai lần hiến máu là 12 tuần đối với cả nam và nữ.

Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV thì không nên hiến máu. Chưa hết, người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C và các virus lây qua đường truyền máu; người có các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày… cũng không nên hiến máu.

Máu của người hiến sẽ được kiểm tra nhóm máu (hệ ABO, hệ Rh), HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét. Người hiến máu sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện các bệnh nhiễm trùng nói trên.

Người hiến máu tình nguyện sẽ được hưởng một số quyền lợi như được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh nói trên sẽ được bác sĩ mời đến để tư vấn.

Người hiến máu nhân đạo còn được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo TP.HCM. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm