Báo động phi văn hóa trong giao thông

Tuần qua, sự việc nữ sinh ở Bình Dương bị thanh niên Lê Tấn Thành đánh sau vụ va chạm giao thông đã khiến dư luận phẫn nộ. 

Thành đạp túi bụi vào mặt nữ sinh sau khi va chạm giao thông. (Ảnh cắt từ clip)

Câu chuyện này cũng được nhắc đến tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 diễn ra vào ngày 9-12 vừa qua. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng khẳng định đó là hành động phi văn hóa trong giao thông.
Theo dõi diễn biến của vụ việc trên, nhiều bạn đọc Pháp Luật TP.HCM bày tỏ ý kiến cần thiết phải xây dựng một văn hóa ứng xử ôn hòa khi xảy ra va chạm giao thông.
Cộng đồng theo dõi, bất bình
Bạn đọc Nguyễn Bích Ngọc bức xúc: “Đã sai lại còn hành động không ai có thể chấp nhận được. Không người thân nào của em gái có thể chịu đựng nổi khi tận mắt xem clip cảnh con em của mình. Mong cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý nghiêm khắc nhất”. 
“Cộng đồng xã hội đang hết sức bất bình, căm phẫn và theo dõi việc xử lý sự việc này” - bạn đọc Tú Nhân mong mỏi.
Không chỉ bức xúc, tất cả cái sai của thanh niên kia được bạn đọc Trọng Nghị liệt kê ra: “Uống rượu bia khi tham gia giao thông, chuyển hướng không bật tín hiệu + Chửi rủa, đe dọa em học sinh và người can ngăn + Đạp vào đầu, vào mặt, dùng vật cứng đập vào đầu em học sinh phải khâu 10 mũi + Bỏ chạy sau khi gây tai nạn... Rất mong vụ việc được giải quyết công tâm để phòng ngừa chung”.

Hai cô gái ôm động viên nhau sau va chạm giao thông gây ngã xe vừa được lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip)

Va quẹt xe, ai cũng đòi giành phần hơn
Xem đoạn clip đánh nữ sinh sau va chạm xe tại Bình Dương, bạn đọc Nguyễn Thành Nhân (ngụ TP.HCM), một tài xế lái xe đường dài, lắc đầu nói: “Đây không phải lần đầu tôi thấy cảnh này. Chính tôi cũng nhiều lần dính vào những cuộc ẩu đả trong những vụ va chạm xe”.
Anh Nhân kể lại: “Cận tết 2019, tôi điều khiển xe tải chạy theo hướng từ Bình Phước về TP. Do đường quá đông và kẹt nhiều giờ liền nên tôi không quan sát kỹ và va vào một ô tô. Vụ việc chỉ làm xe bị trầy xước nhẹ. Tôi dừng xe và thương lượng bồi thường nhưng người lái xe tên H. kia rất hung hăng, mắng chửi. Người này và một số người trên ô tô rút ra các thanh sắt dọa đánh tôi, thấy vậy tôi liền bỏ chạy. Họ đuổi theo, tôi chạy vào một nhà dân xin trốn tạm. May mắn công an đến kịp nên tôi không bị thương. Vụ va chạm cũng được CSGT xử lý. Tiền sửa xe tôi bồi thường cho họ chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng xe của hai bên bị CSGT tạm giữ một tháng. Tôi và anh H. cũng bị công an mời làm việc mấy lần vì vụ ẩu đả”.
Theo anh Nhân, trong các vụ va quẹt xe, nhiều người luôn cho rằng mình bị tổn hại nhiều hơn nên họ không đồng ý các phương án hay mức bồi thường của bên kia đề ra. Khi không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc bản thân thì họ chửi thề, đập phá xe của bên kia, làm mâu thuẫn gay gắt và bạo lực dễ xảy ra.
Sao không động viên nhau?
Bạn đọc Đỗ Hồng (quận Phú Nhuận), giáo viên mầm non, chia sẻ: “Mới đây, tôi có xem một đoạn clip thấy hai cô gái sau khi quẹt xe vào nhau đã đến hỏi thăm, xem xét các vết thương rồi ôm nhau. Tôi thấy hành động của hai cô gái động viên nhau sau va chạm giao thông thật văn minh, đối lập với vụ việc ở Bình Dương. 
Trong những tai nạn, va chạm xe đôi bên cùng giữ bình tĩnh, không dùng bạo lực để giải quyết. 
Khi xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông, chúng ta nên cảm thấy vui mừng vì bản thân và người khác vẫn lành lặn, không thiệt hại tính mạng. Những thiệt hại về vật chất chúng ta vẫn có thể bù đắp được, chỉ cần đôi bên từ tốn giải quyết”.
“Tôi từng chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông không đáng gì nhưng cứ đứng giữa đường tranh cãi gây mất an ninh trật tự khiến giao thông ùn tắc. Lẽ ra họ nên dắt xe vào lề đường rồi cùng nhau tìm hướng giải quyết, tránh ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác” - bạn đọc Trương Anh Sơn bày tỏ•

 Điểm trừ trong mắt du khách

Báo động phi văn hóa trong giao thông ảnh 3
 

Ùn tắc giao thông và văn hóa ứng xử trong giao thông của người Việt là một điểm trừ lớn trong mắt du khách về văn hóa và con người Việt Nam. 

Trong khi ở nhiều nước, sau một vụ đụng xe hay va quẹt, người trong cuộc thường quan tâm nhất đến tính mạng của bản thân và bên còn lại. Người ta xuống xe xin lỗi và nhận trách nhiệm bồi thường, thậm chí bắt tay, ôm nhau nếu người và của không bị thiệt hại nặng. Còn ở nước ta hay làm lớn chuyện, chửi nhau, thậm chí còn đánh nhau sau va chạm dù lớn hay nhỏ.
Nhiều du khách đến TP.HCM hay các đô thị lớn khác của Việt Nam có nhu cầu thuê xe máy để tự đi tham quan. Tuy nhiên, chỉ sau một lần tự lái xe họ đã cảm thấy sợ hãi vì chứng kiến nạn ùn tắc và những vụ đôi co của các bên sau va chạm giao thông.
Trong việc phát triển TP hiện đại, văn minh, nghĩa tình, các cơ quan chức năng cũng đã quan tâm đến việc quy hoạch giao thông, giải quyết nạn kẹt xe. Song sự văn minh còn nằm trong việc đi đứng, ứng xử giữa người với người nếu chẳng may có tai nạn xảy ra. 
Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp tốt. Về lâu dài việc tuân thủ pháp luật về giao thông từ người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.
Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm