Báo đồng hành cùng người dân tìm công lý

Thời gian qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã đứng về phía bạn đọc, luôn đấu tranh để đòi những quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho họ và đạt nhiều kết quả.

Được giải oan khi báo can thiệp

Gặp lại chúng tôi, bà Liễu (một người được báo giúp minh oan) vui mừng kể: “Ngày đó bị tòa kết tội, chúng tôi tưởng đã không còn hy vọng. Chúng tôi không rành rẽ pháp luật nên chẳng biết đấu tranh từ đâu. Sực nhớ đến báo thế là tôi gửi đơn cầu cứu với hy vọng  sự công tâm của nhà báo sẽ bảo vệ được chúng tôi”.

Qua quá trình xác minh, cuối năm 2013, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh trường hợp bà Đỗ Thị Hồng Liễu, bà Nguyễn Thị Thu, ông Lê Thanh Phong và ông Phan Văn Phong bị TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) kết án về tội đánh bạc. Sau đó TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Sau khi điều tra không kết quả, VKSND TP Mỹ Tho đã đình chỉ vụ án nhưng thay vì đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm thì VKS lại nêu lý do là hành vi phạm tội của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội (khoản 1 Điều 25 BLHS). Bài viết đã phân tích cơ sở ra quyết định đình chỉ vụ án là không đúng vì ngay từ đầu nếu xác định hành vi ít nguy hiểm cho xã hội, không đáng để xử lý hình sự thì phải xử lý hành chính. Đằng này cơ quan chức năng lại khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, kết án, bị hủy án rồi điều tra lại không được mới lấy lý do trên. Mặt khác, khi hết thời hạn điều tra mà cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ chứng minh họ phạm tội thì phải thừa nhận việc xử lý hình sự trước đó là oan.

Ông Hoàng với chiếc xe đạp vất vả nhiều năm trời để yêu cầu cơ quan chức năng cho hưởng tiền trợ cấp mai táng. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ba trong bốn người được minh oan (từ trái sang: Bà Thu, ông Văn Phong, bà Liễu). Ảnh: T.TÙNG

Sau khi báo đăng, viện trưởng VKSND TP Mỹ Tho đã ký quyết định hủy bỏ các quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can trên vì xét thấy không có căn cứ. Đồng thời, viện trưởng ban hành các quyết định mới nêu rõ hành vi của bốn ông, bà trên không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS. Hiện các đương sự đang khởi kiện yêu cầu được bồi thường oan.

Nghĩ về những ngày đã qua, ông Phan Văn Phong tâm sự: “Tui vẫn nhớ như in cảm giác mình được tuyên bố oan sau khi báo Pháp Luật TP.HCM lên tiếng. Tui không có tiền mướn luật sư, nếu không có nhà báo thì tui đã phải chịu một bản án sai, bị mang tiếng là người có tiền án tiền sự...”.

Quan tâm những thân phận nghèo

Ông Thái Văn Hoàng (ấp Ngọc Ân, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Hậu Thạnh, Long An) - một bạn đọc khác của báo hồi tưởng: “Nhà tôi nghèo, ở tận vùng xa của tỉnh Long An. Lúc đương thời, mẹ tôi tham gia cách mạng và được Nhà nước phong tặng huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 2010 mẹ tôi mất, lo hậu sự xong thì nghe một cán bộ xã nói trường hợp của mẹ tôi được nhận tiền mai táng phí cho người có công. Vì gia đình khó khăn nên tôi nhanh chóng làm thủ tục mong nhận được tiền hỗ trợ để trang trải cuộc sống. Tưởng được giải quyết nhưng tôi chờ hoài không thấy xã trả lời. Với chiếc xe cũ tôi đã đạp hàng chục cây số lên xuống từ xã đến huyện nhưng nơi thì bảo làm được, nơi bảo không. Trước sự việc ấy, tôi đã gần như tuyệt vọng. Tình cờ gặp một người quen, tôi được khuyên nên gửi đơn đến báo Pháp Luật TP.HCM xem có giúp được gì không”.

Ngay sau khi đọc đơn của ông Hoàng và đối chiếu pháp luật, chúng tôi nhận định địa phương sai sót nên vào cuộc. Ít ngày sau, bài báo lên khuôn, nêu những quy định áp dụng trong trường hợp này và đề nghị địa phương xem xét, giải quyết cho ông Hoàng được hưởng số tiền trên.

“Thật ra khi viết đơn tôi cũng không mấy hy vọng vì vụ việc này tôi đã kêu gần bốn năm trời mà không được. Thế mà... Thật là mừng, bài báo vừa đăng lên, xã mời đến thông báo trường hợp của tôi đã được giải quyết và tôi đang chờ ngày nhận tiền. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng đối với gia đình tôi là rất quý. Hơn nữa, qua bài báo tôi phần nào hiểu thêm những quy định của pháp luật. Hy vọng báo luôn quan tâm đến những thân phận nghèo như chúng tôi” - ông Hoàng kỳ vọng.

N.HIỀN - T.TÙNG

 

Chỗ dựa của niềm tin

Một chiều tháng 6, bà Đỗ Kim Xuân (em gái bà Đỗ Thị Lộc) gọi điện thoại hồ hởi báo tin: “Cô ơi! Chị tôi nhận tiền thi hành án rồi, cảm ơn cô, cảm ơn báo nhiều lắm...”.

Năm 1992, bà Lộc bị Công an quận 1 (TP.HCM) khởi tố về tội lừa đảo… Tuy nhiên, cũng trong năm đó bà được minh oan. Năm 2006, bà bắt đầu hành trình yêu cầu VKSND quận 1 bồi thường oan. Sau đó, vì bệnh tật nên bà Lộc (không chồng, không con) nằm một chỗ và bà Xuân tiếp tục “chạy ngược, chạy xuôi” đòi quyền lợi cho chị mình. Năm 2013, tòa buộc VKSND quận 1 bồi thường cho bà Lộc hơn 28 triệu đồng.

Bà Xuân kể: “Gần bảy năm đi kiện, chị tôi mới được bồi thường số tiền ấy, vậy mà nhiều tháng trôi qua chị tôi vẫn không nhận được tiền. Sau khi gửi đơn khiếu nại, cầu cứu khắp nơi nhưng đều vô vọng, tôi đã nhờ báo giúp chị tôi sớm nhận tiền để chị ấy vơi bớt nỗi đau và có chút ít tiền để mua thuốc uống”.

Ngày 29-5, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài phản ánh sự việc trên. Hơn một tuần sau, VKSND quận 1 đã chuyển tiền thi hành án cho bà Lộc và cơ quan này còn tự nguyện nộp tiền chậm thi hành án.

Trong nụ cười giòn, bà Xuân gửi gắm: “Chuyện của gia đình tôi coi như báo đã giúp ổn thỏa. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều chuyện khác cần đến báo. Mong báo luôn là chỗ dựa, là niềm tin yêu của mọi người và luôn đấu tranh đến cùng vì công lý”.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm