Báo chí và luật sư đồng hành...

Tôi vừa là bạn đọc, vừa là người cộng tác với báo nhiều năm nay. Có thể nói báo Pháp Luật TP.HCM là người bạn không thể thiếu của luật sư trong hành trình bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.Đặc biệt trong những năm gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã thể hiện tính chiến đấu rất cao qua những bài viết của các phóng viên chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp, kiên trì đeo bám đấu tranh các hiện tượng tiêu cực, bất bình đẳng trong đời sống, nhất là tệ nạn quan liêu, tham nhũng. Nhiều vụ án oan kéo dài cùng với những vấn đề pháp lý gai góc đã được báo mổ xẻ thông qua những ý kiến phân tích đa chiều, rất nhân văn của các chuyên gia pháp luật (đại biểu Quốc hội, luật sư, thẩm phán, KSV, giảng viên Trường ĐH Luật...). Báo cũng đã phát hiện nêu gương người tốt việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Điển hình là vụ án “Dùng nhục hình làm chết nghi can ở Công an TP Tuy Hòa”. Những người trong cơ quan bảo vệ pháp luật gây ra trong vụ án “dùng nhục hình” khi báo nêu không ai có thể bao biện được.

Chị Hồng ve chai được nhận 5 triệu yen là một ví dụ điển hình của việc báo chí và luật sư cùng song hành bảo vệ công lý, quyền lợi hợp pháp của người dân. Ảnh: HV

Sự tranh đấubằng “vũ khí” pháp luật trong hoạt động tham gia tố tụng của luật sư cũng được báo thông tin nhanh, chính xác, góp phần tích cực đưa nguyên tắc: “Mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, “Mọi người bình đẳng trước pháp luật” trở thành hiện thực. Việc báo đồng hành cùng luật sư Võ An Đôn là một ví dụ. Đây cũng chỉ là một trong hàng loạt vụ việc Pháp Luật TP.HCM đã thực hiện chức năng xã hội, cùng luật sư góp phần bảo vệ công lý, được dư luận, đặc biệt là giới luật sư đánh giá rất cao.

Qua những vụ việc nói trên, tôi thấy đó là nhân tố tích cực khuyến khích luật sư trên toàn quốc tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Một sốvụ luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí đã đạt kết quả như mong muốn. Có thể nhận thấy các chuyên trang Nhà nước-công dân, Pháp luật & Cuộc sống, Bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM là diễn đàn của nhân dân, trong đó báo đặc biệt ưu ái cho tiếng nói, diễn đàn của giới luật sư.

Thực tiễn thi hành Luật Báo chí, Luật Luật sư khẳng định báo chí và luật sư có mối quan hệ mật thiết trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tiêu cực xã hội khác. Thực tiễn đã khẳng định Pháp Luật TP.HCM là người bạn luôn song hành cùng luật sư Việt Nam trong hành trình bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải; vì công lý, công bằng xã hội mà phụng sự.

“Cũng có lúc đập nhau tơi bời…”

Thời đại thông tin đa chiều thì vai trò của luật sư và nhà báo là cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra sự lan tỏa, định hướng dư luận và sự đồng thuận; góp phần bảo vệ công lý, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, dân chủ...

Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự đồng hành giữa báo chí, cộng đồng mạng và luật sư đưa đến những kết quả tốt đẹp và vụ “Chị ve chai và 5 triệu yen” là một ví dụ điển hình. Ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra, các báo đài đã liên tục thông tin. Qua thông tin báo chí thì các luật sư được tạo điều kiện thể hiện quan điểm của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Một số luật sư cũng thông qua báo đài đã tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho đương sự. Các báo đài vừa liên tục cập nhật thông tin vừa đăng tải quan điểm pháp lý của giới luật sư về vụ “5 triệu yen”, vừa “truy vấn” cơ quan chức năng. Báo Pháp Luật TP.HCM - tờ báo chuyên về các vấn đề pháp lý, cùng các báo đài khác ngay từ đầu đã có sự phối hợp chặt chẽ với giới luật sư, chủ động “đặt hàng” luật sư và mạnh dạn đăng tải công khai các ý kiến trái chiều, các phương án xử lý vụ việc khác nhau khiến dư luận quan tâm. Thông qua sự liên tục cập nhật thông tin và cho đăng tải các ý kiến của giới luật sư, các báo đài đã tạo nên độ nóng của vụ việc, sự quan tâm của công luận, thuyết phục và định hướng công luận. Từ đó tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân trong việc giải thích và áp dụng luật khiến cơ quan chức năng từ sự lúng túng ban đầu, chậm trễ trong cách giải quyết vụ việc chưa hề có tiền lệ này đi đến quyết định hợp tình hợp lý là giao toàn bộ tiền cho chị ve chai.

Có thể nói vụ “5 triệu yen” được một kết thúc có hậu là kết quả của sự hợp tác giữa các phương tiện truyền thông đại chúng và giới luật sư. Tuy nhiên, có lúc luật sư và nhà báo cũng đập nhau tơi bời, đó là những khi họ có quan điểm trái ngược nhau. Nhưng đây là sự khác biệt cần thiết, hỗ tương. Luật sư rất nhiều khi hăng say bảo vệ thân chủ nên cũng cần có sự phản biện của báo chí hay có lúc báo chí cũng cần tham vấn ý kiến của giới luật sư để cùng nhau bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội một cách có hiệu quả nhất.

Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm