Bạn trẻ TP.HCM làm muối mè gửi đến tâm dịch Bắc Giang

Giữa lúc dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Ngọc Ánh (Trưởng nhóm Xanh Việt Nam, sinh 1996, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhóm bạn trẻ của Cộng đồng Xanh Việt Nam cố gắng hoàn thành hơn 1.000 hũ muối mè.

Những hũ muối mè mang nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa đựng nghĩa tình của người dân TP.HCM sẽ được chuyến đến tuyến đầu chống dịch ở tỉnh Bắc Giang.

12 ngày và hơn 1.000 hũ muối mè

Sau 12 ngày đêm tận lực, nhóm bạn trẻ của Cộng đồng Xanh Việt Nam cũng đã hoàn thành hơn 1.000 hũ muối mè đậu phộng. Chiều ngày 5-6, số muối mè và một số nhu yếu phẩm khác được đưa lên xe, vận chuyển đến Bắc Giang.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh cho biết khi Bắc Giang bùng phát dịch bệnh, chị đã nghĩ nhóm mình cần làm gì đó để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm chống dịch. Qua gợi ý của một chị trưởng nhóm của Xanh Việt Nam ở Bắc Giang, chị Ánh nảy ra ý tưởng làm muối mè đậu phộng.

Nhóm bạn trẻ cùng nhau làm muối mè gửi tâm dịch Bắc Giang

Sau đó, chị Ánh bàn bạc với các thành viên của nhóm, rồi bắt tay vào thực hiện mục tiêu 1.000 hũ muối mè đậu phộng.

Khi nhóm đang làm muối mè được 2-3 ngày, thì tình hình dịch bệnh ở TP.HCM cũng diễn biến phức tạp. Tuân thủ quy định giãn cách, nhóm chia nhỏ công việc cho các thành viên trên các quận huyện đảm nhận các công đoạn khác nhau.

Khi nhóm của chị Ánh kêu gọi người dân hỗ trợ làm muối mè thì rất nhiều đã cùng người tham gia, ủng hộ. Mỗi người góp công khác nhau như đem đậu về nhà rang hoặc mua 4-5kg đậu ủng hộ nhóm. Mỗi chiều, nhóm sẽ cử một bạn đi các quận để thu gom số đậu đã được mọi người rang, tập hợp lại để pha trộn và đóng hũ.

12 ngày đêm để các bạn trẻ làm ra trên 1.000 hũ muối mè

Bạn Phạm Thị Hồng Nhung, sinh viên năm 3, đại học Giao thông Vận tải TP.HCM là điều phối viên chính cho hoạt động 1.000 hũ muối mè gửi Bắc Giang, cho biết khi phát động chương trình, chúng tôi có những bài viết trên mạng xã hội, mọi người cũng chia sẻ cho nhau nữa nên có nhiều người tham gia. Những người quen, lẫn chưa quen đều đến phụ giúp, cùng nhau ngồi lại làm muối mè. Những người không trực tiếp làm thì gửi thức ăn, trái cây… bồi dưỡng cho các thành viên của nhóm.

“Chúng tôi nghĩ các y, bác sĩ và các lực lượng chống dịch ở Bắc Giang là những chiến sĩ đang chiến đấu với dịch bệnh ở tiền tuyến, còn chúng tôi là hậu phương vững chắc đang dõi theo mong được tiếp sức cho họ phần nào” – chị Ánh cho biết.

“Ăn muối mè ta đè COVID”

Chị Ánh tự hào chia sẻ: “Mục tiêu ban đầu là 1.000 hũ nhưng hiện tại, với sự chung sức của nhiều người, nhóm đã làm trên 1.200 hộp. Bên cạnh đó, nhiều người gửi thêm trà, chanh muối, thực phẩm chức năng, chà bông, ngũ cốc để chúng tôi có thể gửi đến các y, bác sĩ nơi tâm dịch ở Bắc Giang”.

Theo chị Ánh, muối mè của nhóm được thực hiện theo công thức của một đầu bếp có tiếng. Sau khi trộn hỗn hợp nguyên liệu đúng tỉ lệ, muối mè sẽ không quá mặn, không quá nhạt và đầy đủ dưỡng chất.

Hơn 1.000 hủ muối mè đã thành phẩm

“Chúng tôi cũng tìm hiểu và thực hiện muối mè theo đặc tính vùng miền. Các anh chị miền Bắc sẽ không thích ăn đường nhiều nên chúng tôi không thêm đường vào muối mè. Việc này cũng để đảm bảo muối mè không bị chảy nước” – chị Ánh cho biết.

Những hũ muối mè được làm tỉ mỉ, bỏ thêm túi hút ẩm để đảm bảo chất lượng. Các nắp hũ đều được gói giấy để đảm bảo chất lượng trong khâu vận chuyển, cũng như nhìn thân thiện, hấp dẫn hơn.

Trên mỗi hũ muối mè đều được treo một tấm thẻ nhỏ bằng giấy có dòng chữ động viên, khích lệ tuyến đầu chống dịch. Mỗi câu động viên dí dỏm, dễ thương như: Ăn muối mè ta đè COVID, ăn đậu phộng dang rộng vòng tay; Vừng ơi, mở ra, lùa COVID bay xa; Ai ơi cơm trắng muối vừng, khó khăn thử thách ta cùng chung tay… đều do các thành viên nhóm nghĩ ra.

Các lời chúc dễ thương được các bạn trẻ ghi trên giấy sau đó đính lên hộp muối mè.

“Chúng tôi suy nghĩ những câu động viên dí dỏm trong lúc làm việc hay rang đậu, rồi viết lên những tấm thẻ nhỏ đã được đục lỗ, xỏ dây. Viết nhiều nhưng cũng không mỏi bằng rang đậu. Chúng tôi đã rang hơn bốn tạ đậu phộng. Khi về nhà, ai nấy đều mỏi nhừ hai tay, đôi khi tay không còn cảm giác như vẫn vui”, chị Ánh chia sẻ.

Những lời chúc như lơi động viên cho các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Cũng theo chị Ánh, các thành viên nhóm còn rất trẻ, đều vừa tranh thủ làm việc, học tập, vừa làm muối mè. Nhiều bạn phải dậy từ rất sớm, buổi tối cũng phải tranh thủ thời gian rất nhiều. Tuy nhiên, khi nghĩ đến đất nước đang gồng mình chống dịch, các y bác sĩ chỉ có thể nghỉ ngơi 1-2 tiếng đồng hồ thì tất cả thành viên đều thấy những gì mình bỏ ra đều không thể sánh bằng.

Hoàn thành mục tiêu hơn 1.000 hũ muối mè cho Bắc Giang, nhóm của chị Ánh lại tìm hiểu và lên kế hoạch hỗ trợ người nghèo, tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.

“Hiện tại, chúng tôi đang tìm hiểu xem các điểm phong tỏa, lực lượng chống dịch, người nghèo ở TP.HCM cần gì, hỗ trợ thế nào cho phù hợp… Nếu trong khả năng, chúng tôi sẽ tiếp tục dồn sức hỗ trợ cho chính thành phố mình đang sinh sống” – chị Ngọc Ánh cho biết.

 

Những điều nhỏ nhoi gửi cho tuyến đầu

Anh Huỳnh Ngọc Thịnh, tham gia vào hoạt động rang muối mè gửi Bắc Giang từ những ngày đầu, chia sẻ: “Tôi tham gia đủ mọi khâu, có nhiều công đoạn rất cực như rang đậu liên tục trong thời tiết nóng nực mà không được bật quạt. Tuy nhiên, khi nghĩ về sự khổ cực của các y bác sĩ đang chống dịch ở Bắc Giang, tôi thấy những khó khăn của mình và cả nhóm thực sự nhỏ nhoi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm