Bán nhà không hợp pháp, bên mua được trả?

Bà Trần Thị Ánh Mai phản ánh bốn năm trước bà mua nhà của bà Trần Thị Thanh Thủy và được cấp giấy hồng. Ít lâu sau vợ chồng bà Lê Thị Ánh Tuyết (chủ cũ căn nhà) gửi đơn đến cơ quan chức năng cho rằng hồ sơ mua bán nhà giữa họ và bà Thủy trước đó là giả mạo. Theo bà Tuyết, trước kia người đi ký công chứng bán nhà không phải chồng bà mà là người của bà Thủy bố trí. Vợ chồng bà đề nghị được nhận lại nhà dù biết rằng nhà đã được bà Thủy bán cho bà Mai.

Nhận thấy có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, giấy tờ nên năm 2011 Công an quận 5 (TP.HCM) vào cuộc. Hai năm sau, phía công an cho bà Mai biết trong vụ này, do vay mượn tiền nên phía bà Tuyết đã thế chấp nhà cho bà Thủy thông qua hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, nơi đây quyết định tạm đình chỉ vụ án vì hết thời hạn điều tra nhưng chưa truy tìm được đối tượng gây án (là người đã ra công chứng hợp đồng với bà Tuyết để bán nhà cho bà Thủy). Còn việc mua bán giữa bà Mai và bà Thủy là quan hệ khác, xảy ra sau và không liên quan đến vụ án này nên công an quận không có ý kiến.

Bà Mai gặp rắc rối với căn nhà mua lại từ bà Thủy. Ảnh: T.TÙNG

Trước vụ việc rắc rối trên, bà Mai cho biết bà muốn yêu cầu tòa tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa bà và bà Thủy vô hiệu, bà Thủy phải trả lại tiền bán nhà cho bà. Tuy nhiên, bà Mai thắc mắc không biết yêu cầu của bà có phù hợp với pháp luật về hợp đồng hay không vì bà đã được cấp giấy tờ nhà hợp pháp, liệu bà còn có quyền đòi hủy hợp đồng? Tuy nhiên, bà cũng tin tưởng rằng việc bà Thủy có nhà để bán cho bà xuất phát từ hợp đồng không hợp lệ (việc mua bán nhà giữa bà Thủy và vợ chồng bà Tuyết không phù hợp vì có sự lừa dối) nên có thể yêu cầu đòi hủy hợp đồng của bà là chính đáng.

Luật sư Nguyễn Thanh Tài (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) nhận định yêu cầu của bà Mai là có cơ sở và tòa án phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp này. Bởi tình tiết vụ án cho thấy rõ ràng quan hệ mua bán giữa bà Thủy và vợ chồng bà Tuyết là gian dối. Từ đó dẫn tới quan hệ mua bán giữa bà Thủy và bà Mai cũng không hợp pháp. Lỗi này xuất phát từ bên bán nên không thể bắt bên mua gánh chịu...

Một số chuyên gia khác cho biết thêm mặc dù việc mua bán giữa bà Mai và bà Thủy là đúng pháp luật, bà Mai cũng đã được cấp giấy hồng nhưng chưa chắc đó đã là tài sản hợp pháp của bà. Lý do là quá trình bà Thủy giao kết hợp đồng với vợ chồng bà Tuyết có sự vi phạm, bà Thủy không đủ tư cách là người sở hữu nhà hợp pháp để giao kết hợp đồng với bà Mai.

THANH TÙNG

 

Hợp đồng vô hiệu

Xét quan hệ dân sự thuần túy thì bà Mai được pháp luật bảo vệ trong trường hợp yêu cầu hủy hợp đồng mua nhà để đòi lại tiền. Bởi thực tế, vợ chồng bà Tuyết cho rằng họ vẫn còn sở hữu ngôi nhà do việc mua bán với bà Thủy vi phạm pháp luật. Tức trong quan hệ này vợ chồng bà Tuyết là người thứ ba đứng ra tranh chấp. Vậy theo khoản 2 Điều 443 BLDS, bên bán (bà Thủy) phải đứng về phía bên mua (bà Mai) để bảo vệ quyền lợi bên mua tức bà Mai. Lúc này tòa có cơ sở để tuyên bố hợp đồng mua bán giữa bà Mai và bà Thủy vô hiệu do trước đó có lỗi của bà Thủy, hai bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận.

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm