4 sai lầm mà nhân viên mới cần tránh

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những ngày đầu đi làm ở một công ty mới, bạn mong muốn gây được ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp. Đây cũng là  khoảng thời gian quan trọng mà đồng nghiệp và cấp trên cùng dồn sự chú ý vào bạn, đánh giá về khả năng cũng như vai trò của bạn trong nhóm, chưa kể cách cư xử, mức độ hòa đồng của bạn. Đừng để những điều này khiến bạn cảm thấy run. Hãy là chính mình, và cố gắng tránh những lỗi sau đây:

1. Hội chứng so sánh

Ở công sở nào cũng có những người thích so sánh hiện tại với quá khứ. Họ thường nói những câu đại loại như: “Ở công ty cũ của tôi, chúng tôi là việc này thế này” hay “Công ty cũ của tôi có một cách làm hoàn toàn khác”.

Tất nhiên mọi thứ diễn ra không giống như ở những nơi khác nhau. Nhưng nếu bạn nói ra sự so sánh của mình cho tất cả mọi người cùng nghe thấy, những người xung quanh bạn sẽ nghĩ, bạn đang muốn ám chỉ, mọi thứ trước kia đối với bạn tốt đẹp hơn bây giờ. Và cuối cùng, đồng nghiệp của bạn sẽ đặt câu hỏi: “Nếu anh/chị thích công ty cũ của mình đến thế, thì tại sao không quay trở lại đó?”

Bạn có thể nghĩ là mình đang giúp ích bằng cách chia sẻ sự hiểu biết và đem tới những phương pháp làm việc mà công ty cũ của bạn áp dụng sang cho công ty mới. Nhưng đồng nghiệp sẽ không nhìn nhận vấn đề theo cách đó, ít nhất là vào lúc đầu. Điều đáng buồn là nhiều người trong số họ đang tìm kiếm lý do để không chấp nhận bạn vào nề nếp vốn có của công ty. Nếu bạn liên tục so sánh công ty mới với công ty cũ, bạn vô tình tạo ra một tinh thần “chúng tôi chống lại họ” mà ở đó bạn ở phía bên ngoài. Một khi bạn liên tục “nhắc” mọi người rằng bạn là người mới, thì mãi mãi bạn sẽ không bao giờ trở thành một phần của công ty mới.


2 . Hào hứng với việc khoe mình có những gì

Đúng là công ty mới nhận bạn vào làm vì có lý do của họ. Chắc chắn là bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm và họ cần. Rõ ràng, mọi người đều tin là bạn có thứ gì đó có ý nghĩa để đóng góp cho công ty. Mặc dù vậy, đừng quá hứng thú với việc hể hiện bản thân khi bạn mới vào làm. Hãy để mọi việc diễn ra chậm rãi. Dành thời gian tìm hiểu về các đồng nghiệp. Quan sát cách làm việc của nhóm. Từ đó xác định được vị trí của bạn trong nhóm.

Khi một nhân viên mới xuất hiện và tìm mọi cách để chứng tỏ bản thân ngay lập tức, điều đó sẽ tạo ra một thay đổi lớn trong môi trường. Bạn bắt đầu được người khác cảm thấy như một nhân tố thay đổi, tạo ra cảm giác không thoải mái và lo ngại cho những người xung quanh. Xét cho cùng, thay đổi dù tốt hay xấu đều là một điều không dễ dàng gì đối với hầu hết mọi người.

Hãy nhớ rằng, ê-kíp này, công ty này đã có một phong cách làm việc riêng từ trước khi có bạn. Sự xuất hiện của bạn có thể sẽ giúp mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn, nhưng đừng quá vội vã. Hãy tìm hiểu về môi trường mới trước khi bổ sung những bí quyết và kinh nghiệm công việc mà bạn có vào đó. Làm mọi việc một cách chậm rãi, từ tốn sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp hơn cho bạn.


3. Tỏ ra biết tất cả mọi chuyện

Không có gì tệ hơn một người vừa đặt chân vào một môi trường mới với ý nghĩ mình đã có tất cả mọi câu trả lời. Đúng là ở phương diện nào đó, bạn biết mình đang làm gì. Nhưng cho dù bạn đã làm đúng công việc này ở một công ty cùng lĩnh vực trước kia, thì bây giờ bạn vẫn đang ở trong một công ty mới, làm việc với một ê-kíp mới. Bạn đang ở trong một môi trường hoàn toàn khác, và chuyên môn của bạn cũng cần phải có sự điều chỉnh.

Đồng nghiệp mới của bạn rất có thể đều là những người giỏi với những kỹ năng mà bạn chưa biết hết. Hãy tôn trọng điều đó. Kinh nghiệm, hiểu biết và năng lực của bạn sẽ có cơ hội tỏa sáng trong tương lai, nhưng đừng ép điều đó đến sớm.

Thay vào đó, hãy để những đồng nghiệp mới chỉ bảo, hướng dẫn ban. Hãy đưa ra các câu hỏi, thể hiện sự tò mò và tìm hiểu mọi chuyện bằng tâm trí của một người mới bắt đầu. Điều này không có nghĩa là bạn nên tỏ vẻ ngây thơ, khờ khạo, nhưng hãy tạo cho mình khả năng sẵn sàng tiếp thu những cái mới. Sẽ có rất nhiều cái mới trong những ngày đầu… nếu như bạn cởi mở đón nhận.

4. Kỳ vọng sẽ đạt kết quả ngay lập tức

Sẽ phải mất thời gian để được hái trái ngọt từ sức lao động của bạn. Một công việc mới vốn dĩ đã nhiều áp lực, bởi thế đừng gây thêm áp lực không cần thiết với bản thân về việc bạn sẽ được hưởng kết quả gì ngay trong 30 ngày đầu tiên đi làm. Khoảng thời gian này là cơ hội để bạn xây dựng một nền móng cho công việc. Hãy mở ra con đường đi tới thành công cho bản thân bằng cách học hỏi những điều mới, phát triển các mối quan hệ và xây dựng sự hiểu biết thực sự về công việc. Một khi bạn đã tạo được nền móng vững chắc, bạn sẽ ở một vị trí tốt hơn để đạt tới những kết quả mà bạn mong muốn.

Khi bắt đầu ở một công ty mới, bạn thường có cảm giác muốn thúc đẩy mọi cái tiến triển nhanh, nhưng tốt hơn hết, hãy chậm lại. Hầu hết những sai lầm kể trên đều từ cái tôi của bạn mà ra. Tất cả chúng ta ai cũng muốn người khác tôn trọng và công nhận giá trị của mình ngay lập tức. Nhưng hãy tin điều đó sẽ đến cùng với thời gian. Hãy giải tỏa cái tốt và tiếp cận công việc mới của mình bằng sự hứng thú vừa phải. Những đồng nghiệp mới sẽ đánh giá cao điều đó và bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp hơn với họ.

Theo Phương Anh
 US News/Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm