4 lưu ý khi làm căn cước công dân

Thời gian qua, nhiều bạn đọc gửi đến Pháp Luật TP.HCM các câu hỏi, thắc mắc liên quan đến vấn đề làm căn cước công dân (CCCD). Dưới đây là các thắc mắc mà bạn đọc hỏi nhiều nhất.

Trên 60 tuổi có phải đi làm CCCD gắn chip?

Luật CCCD quy định công dân phải đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Vậy công dân trên 60 tuổi và đã được cấp CCCD mã vạch thì có phải đổi sang CCCD gắn chip nữa không? Công dân năm nay 38 tuổi nếu bây giờ đi làm CCCD gắn chip thì đến năm 40 tuổi có phải đổi thẻ không?

Bộ Công an cho hay khoản 2 Điều 21 Luật CCCD quy định trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn hai năm trước tuổi quy định (đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, nếu công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chip khi đã đủ 38 tuổi thì thẻ CCCD sẽ có giá trị sử dụng đến khi công dân đủ 60 tuổi, nghĩa là năm 40 tuổi không cần phải đi đổi thẻ.

Với trường hợp trên 60 tuổi và đã được cấp CCCD mã vạch, Bộ Công an cho biết hiện nay công dân vẫn được sử dụng song song cả ba loại thẻ (CMND chín số, CMND 12 số và CCCD gắn mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng.

Do đó, trường hợp công dân ngoài 60 tuổi và đã làm thẻ CCCD gắn mã vạch thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện chính phủ điện tử, chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chip.

Khi làm CCCD gắn chip có bị thu CCCD mã vạch không?

Theo Bộ Công an, khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip, công dân có hai lựa chọn để nhận thẻ: Nhận trực tiếp tại nơi cấp và nhận qua đường chuyển phát nhanh (bưu điện).

Nếu đăng ký trực tiếp đến nhận thẻ CCCD gắn chip tại nơi cấp, khi trả thẻ cán bộ công an sẽ cắt góc CMND hoặc thẻ CCCD cũ rồi trả lại cho công dân.

Nếu đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chip qua bưu điện, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD, cán bộ công an sẽ cắt góc CMND hoặc thẻ CCCD rồi trả lại cho công dân.

Riêng với CMND hoặc thẻ CCCD bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, công an sẽ thu, hủy bỏ ngay tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip.

Như vậy, nếu trực tiếp đến nhận thẻ CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể giữ lại CMND hoặc thẻ CCCD cũ và sử dụng bình thường trong thời gian chờ được cấp CCCD gắn chip.

Lực lượng Công an Hà Nội làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho người dân.
Ảnh: TP

Ngược lại, nếu nhận CCCD gắn chip qua đường chuyển phát nhanh thì CMND hoặc thẻ CCCD cũ sẽ bị cắt góc ngay, không còn giá trị pháp lý nữa. Đối với hình thức nhận thẻ này, ngoài mức phí cấp CCCD theo quy định, công dân còn phải thanh toán khoản tiền cho dịch vụ chuyển phát của bưu điện.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tùy thuộc tình hình thực tế tại địa bàn các tỉnh/TP, đơn vị sẽ chủ động xây dựng giá cước chuyển phát CCCD, trong đó cước nội tỉnh không thấp hơn 10.000 đồng/thẻ, cước liên tỉnh 15.000 đồng/thẻ.

Sổ hộ khẩu, CMND không ghi ngày, tháng sinh thì phải làm sao?

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp trong sổ hộ khẩu hoặc CMND đang sử dụng không ghi ngày, tháng mà chỉ có năm sinh. Vậy thủ tục để cấp CCCD gắn chip trong tình huống này như thế nào?

Bộ Công an cho biết theo quy định tại Điều 18 Luật CCCD, mặt trước thẻ CCCD sẽ ghi thông tin ngày, tháng, năm sinh của công dân. Vì vậy, trường hợp sổ hộ khẩu và CMND chỉ có thông tin năm sinh thì công dân phải bổ sung ngày, tháng sinh để làm thủ tục cấp CCCD.

Về thủ tục, nếu công dân có giấy tờ hợp lệ thể hiện thông tin ngày, tháng, năm sinh (chẳng hạn như giấy khai sinh) thì đề nghị cơ quan quản lý CCCD cấp huyện điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công an cấp huyện điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Nếu chưa có giấy tờ hợp lệ thể hiện thông tin ngày, tháng, năm sinh, công dân cần đến UBND cấp xã nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh lần đầu hoặc UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh, sau đó làm thủ tục cấp CCCD theo quy định.

Người ở nước ngoài có cần về làm CCCD gắn chip ngay?

Bộ Công an đặt ra mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip trước ngày 1-7. Vậy công dân đang ở nước ngoài thì có cần về nước để làm thủ tục cấp CCCD gắn chip ngay hay không?

Theo thông tin mà Bộ Công an cung cấp, nếu thuộc các trường hợp ưu tiên, không chỉ người ở nước ngoài mà kể cả công dân ở trong nước cũng cần đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip ngay. Bởi Luật CCCD nêu rõ công dân có nghĩa vụ làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định (cấp mới khi đủ 14 tuổi, cấp lại khi mất, hư hỏng hoặc có thay đổi thông tin…).

Các trường hợp ưu tiên cấp CCCD hiện nay gồm: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD; người đã được cấp CMND chín số, người đã được cấp CCCD 12 số, CCCD có mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin... Những người thuộc diện này cần thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang CCCD gắn chip.

Ngược lại, nếu công dân đang ở nước ngoài và không thuộc nhóm ưu tiên thì chưa cần phải về nước ngay lập tức. Nếu công dân đó đã được cấp CMND/CCCD gắn mã vạch mà còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng thì các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn. 

Làm CCCD: Nhiều cách để tránh quá tải cho dân
Làm CCCD: Nhiều cách để tránh quá tải cho dân
(PLO)- Nhiều quận ở TP.HCM, công an áp dụng cách làm lưu động, chia ca, xếp giờ hẹn, thông báo đối tượng ưu tiên làm căn cước công dân trước… để tránh quá tải cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm