4 bước nên làm khi bị vu khống trên mạng

Mới đây, vợ cũ của ca sĩ Vân Quang Long đã gửi đơn trình báo tố cáo hơn 20 youtuber vì những hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội.
Trước đó, cha mẹ cố ca sĩ này cũng đã gửi đơn trình báo lên Công an tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xử lý việc các youtuber đăng tải clip vu khống, xúc phạm gia đình. Công an tỉnh Đồng Tháp đã xác định được chính xác hai trường hợp youtuber đăng tải thông tin và đã chuyển hồ sơ về địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. 
Khi bị người khác đăng tải những thông tin vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội thì phải làm thế nào để được bảo vệ? Đây là câu hỏi của rất nhiều bạn đọc thắc mắc sau khi chúng tôi đăng tải các thông tin liên quan.
Không phải cứ muốn bêu ai là lên mạng xã hội chửi
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Hoa, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định: Việc một người đưa những thông tin vu khống, sai sự thật của người khác lên mạng xã hội thông thường chỉ với hai mục đích. 
Thứ nhất, người đó dựa vào sự nổi tiếng của người khác để câu view hoặc muốn đưa ra những thông tin nóng để nhiều người chú ý đến mình. 
Thứ hai, người đưa lên muốn giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh chóng, tuy nhiên họ thường đưa ra những thông tin có lợi cho mình và sẽ gây bất lợi cho người khác. Với những thông tin một chiều cùng với làn sóng dư luận thì sẽ đẩy vụ việc lên cao và dễ làm sai lệch sự thật.
“Không phải chuyện gì đưa lên mạng xã hội cũng giải quyết được vấn đề. Không phải muốn bêu ai là cứ lên mạng xã hội chửi. Để giải quyết những mâu thuẫn, cách tốt nhất cần có sự bình tĩnh và đừng vì một phút nóng vội đưa lên mạng thông tin bêu xấu người khác, có khi những thông tin đó sẽ hại chính mình vì hành vi vu khống, xúc phạm người khác. Mỗi người cần bảo vệ quyền lợi của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

4 bước nên làm khi bị vu khống trên mạng ảnh 1
Ái Vân, vợ cũ của cố ca sĩ Vân Quang Long, đã gửi đơn trình báo tố cáo hơn 20 youtuber vì những hành vi vu khống, xúc phạm. Ảnh: NVCC

4 bước nên làm khi bị vu khống trên mạng ảnh 2
Trang chủ của cổng thông tin www.tingia.gov.vn, nơi tiếp nhận báo tin giả,
tin sai sự thật. Ảnh: TM

Bốn bước nên làm của người bị vu khống
Theo khoản 1 Ðiều 101 Nghị định 15/2020 thì hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Đây là mức phạt tiền dành cho tổ chức vi phạm, đối với cá nhân vi phạm cùng hành vi thì mức phạt bằng một nửa số tiền trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết ở mức độ gây hậu quả nặng hơn thì người bêu xấu người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý về tội vu khống (Điều 156 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017).
Cụ thể, người nào bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
“Một người bị người khác bôi nhọ, vu khống và bịa đặt trên mạng xã hội cần thực hiện bốn bước sau đây để bảo vệ quyền lợi cho mình. 
Bước một, liên hệ với luật sư để lập vi bằng (bằng chứng việc lan truyền thông tin vu khống trên mạng xã hội). Sau đó, soạn thảo đơn đề nghị xử lý về hành vi lan truyền tin tức bịa đặt với những tài khoản đã vu khống. 
Bước hai, gửi đơn phản ánh đến cơ quan công an và Sở TT&TT để hai cơ quan chuyên môn này làm việc. 
Bước ba, phản ánh đến các cơ quan thông tin đại chúng để công khai, minh bạch vấn đề nhằm bảo vệ uy tín của bản thân, gia đình và các cộng đồng mình đang tham gia làm đại diện.
 Bước bốn, người bị vu khống chủ động chia sẻ và cập nhật thông tin trên mạng xã hội để mọi người có thể tham khảo nguồn thông tin chính thống không sai lệch, nhằm minh bạch vấn đề” - ông Từ Lương hướng dẫn.
Một cán bộ của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết đối với các trang mạng xã hội, cụ thể là Youtube, khi một người nhận thấy thông tin xuyên tạc, sai sự thật về mình thì có thể gửi đơn đến cơ quan công an sở tại, công an sở tại sẽ mời đối tượng đến làm việc, xử lý nếu có sai phạm. 
“Trong trường hợp họ thấy sai phạm không có yếu tố hình sự thì sẽ chuyển cho Sở TT&TT các tỉnh xác minh, xử lý” - vị cán bộ này cho biết.•
 Gửi phản ánh đến Trung tâm Xử lý tin giả
Hiện tại, ở nước ta cũng đã có Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC). Trung tâm có chức năng là cổng tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân; công bố tin giả với mục tiêu góp phần làm lành mạnh không gian mạng.
Quy trình xử lý của VAFC gồm ba bước. Đầu tiên là tiếp nhận hoặc phát hiện thông tin qua các kênh (cổng www.tingia.gov.vn, tổng đài 18008108 của Viettel, qua email, fanpage của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sắp tới là ứng dụng tích hợp với website). 
Cá nhân, tổ chức có thể gọi điện thoại theo số tổng đài hoặc email, gửi thông tin trên website của cục để cung cấp thông tin về các trang đưa tin sai sự thật, trang giả mạo.
Bước hai là thẩm định. VAFC sẽ gửi thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan để xác nhận đó có phải là tin giả hoặc website, fanpage giả hay không. Sau khi nhận được xác thực sẽ công bố tin giả, tin sai sự thật.
Bước ba là công bố, gắn nhãn. Với các tin đã có kết luận của cơ quan chức năng thì công bố, đóng dấu tin xác thực, đăng thông tin này. Tin do tổ chức, cá nhân phản ánh thì yêu cầu cung cấp căn cứ, gửi cơ quan chức năng xác thực. Tin giả được đóng dấu “Tin giả”, đăng vắn tắt nội dung trên trang 
www.tingia.gov.vn, trang fanpage của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Tin sai sự thật, sai một phần thì đóng dấu “Tin sai sự thật”…
VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm