2 gợi ý để hóa đơn điện không tăng giá sốc

Trong tuần qua, thông tin nhiều người bị nhân viên ngành điện ghi nhầm hóa đơn khiến tiền điện tăng vọt đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nếu có bất thường, điện lực phải kiểm tra

Bạn đọc Thái Hòa bình luận: “Nếu như chênh lệch chỉ 100.000 đồng trong những mùa nắng nóng thì cũng bình thường bởi nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên. Thế nhưng trường hợp này tăng lên rất nhiều lần thì hết sức vô lý và không thể chấp nhận được.

Cũng may là gia đình bị tăng tiền điện gấp 33 lần ở Quảng Bình phát hiện và khiếu nại kịp thời, không thì mất tiền oan rồi.

Lẽ ra khi nhân viên ghi số điện thấy tăng đột biến như vậy phải kiểm tra lại, rà soát lại. Làm việc thiếu trách nhiệm như thế này thì bị kỷ luật là đúng rồi”.

Bạn đọc Đào Xuân Mai cũng phản ánh trường hợp của mình và gợi mở cách làm tốt hơn cho ngành điện: “Lẽ ra khi có dấu hiệu bất thường tiền điện tăng trong một tháng, nhân viên ghi chỉ số điện phải thông báo sự bất thường này đến với khách hàng và yêu cầu kiểm tra lại. Đằng này nhân viên điện cứ im lặng ghi mà không nói với khách hàng gì cả.

Trường hợp của mình trong tháng 4 vừa qua cũng thế, một tháng 3 triệu đồng tiền điện tiêu thụ mà bình thường các tháng khác thì 600.000 đồng. Nên kiểm tra thật kỹ trước khi thông báo cho dân chứ như thế này thì người dân mất thời gian khiếu nại”.

“Nếu thấy tiền điện bất thường thì người dân báo cho ai? Phải có một đơn vị độc lập kiểm chứng công tơ điện tại thời điểm bị lỗi, sai số. Thật sự khi xảy ra khiếu nại mà chính ngành điện giải quyết thì rất khó khách quan. Người dân không thể làm gì khác ngoài việc báo cho ngành điện lực trong khi các thiết bị như trụ điện, đồng hồ, hệ thống giám sát cũng do cơ quan này quản. Giả sử có xảy ra tiêu cực thì người dân cũng khó có cách nào để kiểm chứng” - bạn đọc Thanh Hoài ý kiến.

Nhân viên điện lực ghi điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Khắc phục sai sót

Trao đổi với chúng tôi, GS-Viện sĩ-TS khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng nguyên nhân của việc sai sót này chủ yếu do người thực thi nhiệm vụ nghiệp vụ không cao và làm việc thiếu trách nhiệm.

“Theo tôi thì việc nhầm lẫn trong ghi điện là lỗi của một số cá nhân ngành điện. Những người nào làm việc thiếu trách nhiệm phải bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nếu xảy ra hậu quả nặng thì nhân viên ghi điện phải bồi thường cho khách hàng” - ông Long nói.

Để khắc phục việc ghi sai số điện của khách hàng thì ngành điện hiện nay đang đẩy nhanh việc thay thế công tơ điện tử.

Một khi chuyển sang công tơ điện tử, đo đếm từ xa và tự động thì các sai sót trên sẽ được khắc phục. Về tính năng của công tơ điện tử đo xa thì hằng ngày dữ liệu sử dụng điện của hộ gia đình sẽ được truyền trực tiếp về máy chủ.

Trung tâm dữ liệu và người sử dụng điện có thể tra cứu lượng điện dùng trên website chăm sóc khách hàng của tổng công ty điện lực các khu vực.

Theo ông Long, một nguyên nhân khác khiến nhiều trường hợp có tiền tiêu thụ điện bị tăng là do thời tiết nắng nóng quá mức nên việc dùng điều hòa và các thiết bị điện khác nhiều hơn.

“Trong khi đó, chúng ta đang dùng biểu giá điện bậc thang, nếu người dùng điện dùng càng nhiều thì giá đơn vị sẽ trả càng nhiều. Hai yếu tố ấy nhân với nhau thì giá điện sẽ tăng cao, có thể là gấp đôi hoặc hơn” - ông Long nói.

Nhiều người bị ghi nhầm giá điện

Gần đây, nhiều người bị ghi nhầm giá điện khiến tiền tiêu thụ điện bị tính cao ngất khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

- Ngày 21-6, gia đình bà Đào Thị Gái (thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã khiếu nại về hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình bà tăng cao đột biến tới gần 90 triệu đồng. Điện lực Vân Đồn sau đó xác định đã có sự sai sót do việc đo, chốt chỉ số công tơ bằng thiết bị cầm tay HHU không chính xác, tiền điện thực tế của bà Gái chỉ hơn 368.000 đồng.

- Ngày 25-6, một hộ dân ở Hà Tĩnh cũng phản ánh đến ngành điện việc tiền điện tháng 6 của gia đình tăng cao. Cụ thể, trong tháng 5, gia đình hộ này chỉ thanh toán hơn 70.000 đồng nhưng tháng 6 nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 13,5 triệu đồng.

Qua kiểm tra, cơ quan điện lực này cho biết do đường dây sau công tơ kéo vào nhà này bị hở, dây điện dính vào mái tôn trước nhà gây ra tình trạng thất thoát điện.

- Một trường hợp khác là một hộ dân ở Nghệ An nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 16 triệu đồng trong khi thực xài chỉ 501.000 đồng. Kết quả kiểm tra cơ quan điện lực xác nhận do... sai sót trong khi nhập chỉ số công tơ.

- Trường hợp tương tự là một hộ dân ở Quảng Bình bị điện lực tính nhầm lượng tiêu thụ gấp 33 lần với số tiền lên đến 58,5 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do sự cố ghi nhầm chỉ số điện. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.