2 bước cải cách hành chính để tránh chạy chọt

Sáng 11-4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo các giải pháp cải thiện chỉ số PCI trên địa bàn. Để cải thiện chỉ tiêu chi phí không chính thức, ông yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp (DN), vận động họ từ bỏ thói quen chạy chọt. Mới đây, tại một cuộc tọa đàm “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể”, một DN đã than: “Tôi chấp nhận đưa 500.000 đồng cho xong việc” (báo Pháp Luật TP.HCM đăng ngày 12-4).

Thiết nghĩ chỉ hô hào tính tự giác thì chưa đủ mà phải bắt đầu thực hiện các giải pháp căn cơ hơn. Cụ thể là cần đưa hai chế định vào cơ quan công quyền gồm: “Chế độ cam kết phục vụ cộng đồng”, chế định “sát hạch định kỳ, đột xuất công chức” thay cho kiểm điểm, đánh giá hằng năm đối với công chức.

Phải có cam kết phục vụ cộng đồng

Nội dung chủ yếu của chế độ cam kết phục vụ có thể khái quát là công khai cam kết với xã hội về hoạt động của cơ quan; tiếp nhận sự giám sát của xã hội, hình thành một sức ép từ bên ngoài, chuyển hóa sức ép đó thành động lực bên trong để không ngừng cải tiến công tác nâng cao chất lượng phục vụ; và thông báo công khai với công chúng nội dung, tiêu chuẩn, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phục vụ xã hội, đồng thời chịu sự giám sát công chúng nhằm nâng cao trình độ và chất lượng phục vụ. Nếu tổ chức đó không thực hiện đúng những điều đã cam kết thì phải xin lỗi dân hoặc bồi thường thiệt hại cho dân.

Ở nước Anh, chế độ cam kết phục vụ cộng đồng ra đời vào năm 1991. Lúc đó, chính phủ Anh đã phát động một phong trào Hiến chương công dân, tức là dùng hình thức hiến chương để thông báo công khai với công chúng nội dung, tiêu chuẩn, trách nhiệm của mỗi cơ quan chính phủ trong việc phục vụ cộng đồng, chịu sự giám sát của công chúng nhằm nâng cao trình độ phục vụ và chất lượng phục vụ. Chính phủ yêu cầu tất cả cơ quan và các ngành phục vụ công cộng đều phải xây dựng hiến chương của mình.

Nội dung hiến chương bao gồm tiêu chuẩn phục vụ, mức độ công khai, quyền lựa chọn của khách hàng, sự lễ độ, cơ chế giám sát, mức độ sử dụng vốn… và coi đó là những yêu cầu hợp pháp của công dân đối với các tổ chức phục vụ công cộng. Nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, chế độ này đã được áp dụng rộng rãi ở Anh. Đã có rất nhiều hệ thống dịch vụ công cộng công bố hiến chương của mình như hiến chương tàu hỏa, hiến chương cơ quan thuế, hiến chương du lịch, hiến chương bệnh viện, hiến chương cơ quan giải quyết việc làm. Rất nhiều nước đã cử cán bộ đến nước Anh nghiên cứu chế độ này.

Thay đổi cách đánh giá công chức

Công chức tham gia vào bộ máy công quyền lâu nay theo hai con đường: Thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, một bộ phận công chức tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ, thậm chí đủ tinh vi để tìm cách nhũng nhiễu. Với chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm… hiện hành tỏ ra khó cải thiện não trạng trên!

Do đó cần một chế định sát hạch công chức định kỳ hoặc đột xuất. Chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm công chức hằng năm mà chúng ta đang làm. Sát hạch bao gồm 10 nhân tố sau: Tri thức về công việc, tính tình, nhân cách, khả năng phán đoán, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, độ tin cậy, tính thích ứng nhanh nhạy, năng lực giám sát, lòng nhiệt tình, hành vi đạo đức. Đây là công việc mà các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc đột xuất một cách toàn diện về hiệu quả làm việc của công chức trực thuộc để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với họ.

Đặt trong guồng máy vận hành theo hệ thống các chế định này, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ, làm không đúng quy chế sẽ bị loại ra lập tức.

Điều này có thể lý giải tại sao nhiều nền công vụ không đặt nặng việc kêu gọi tinh thần phục vụ mà kết quả dân lại rất hài lòng! Đó là do cách làm dựa vào tính khách quan khoa học của các kỹ thuật hành chính tiên tiến. Có như vậy mới dần xóa bỏ được “văn hóa chạy”.

Bạn đọc muốn phải cải cách từ cán bộ

“Qua sông thì phải lụy đò, DN làm sao chống lại được các cán bộ, công chức. Với nhận định: “Cả rừng văn bản quy định phức tạp, chồng chéo hiện nay, người thừa hành công vụ vận dụng kiểu nào cũng được nên gây khó cho DN” là rất chính xác. Không thể cãi lại được người thừa hành công vụ, muốn xong việc thì phải chịu thua và phong bì cho lẹ!”

Bạn đọc QUANG

“Không ai muốn tốn tiền để chạy chọt cả vì vừa mất tiền vừa đi tù như chơi. Muốn cho xã hội tốt phải bắt đầu từ cơ quan nhà nước và cá nhân của cán bộ. Ai từng làm chủ DN dù lớn hay nhỏ đều có nỗi ám ảnh khi phải đến cơ quan công quyền.”

Bạn đọc HUỲNH DUNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.