17 năm đòi lại đất cho mượn vẫn không xong

Mới đây, bà Võ Kim Anh (ngụ xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, Bình Dương) tiếp tục có đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những người trong gia đình bà TTTh tái chiếm đất của mình.

Các cấp tòa đều yêu cầu phải dời nhà, trả đất

Theo bản án phúc thẩm “đòi đất cho ở nhờ” của TAND tỉnh Bình Dương, bà Kim Anh trình bày: Mảnh đất hơn 1.800 m2 được cha mẹ bà để lại. Cha mẹ bà Kim Anh có cho vợ chồng bà Th. mượn gần 500 m2 đất để dựng nhà tạm và làm vườn. Sau khi cha mẹ mất, đến năm 2000, bà Kim Anh làm thủ tục kê khai và được UBND huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà Kim Anh đứng tên.

Đến năm 2001, bà Th. có khiếu nại tranh chấp đất vì cho rằng phần đất trên là ông nội bà để lại cho bà. Sau đó, TAND tỉnh Bình Dương xét xử, ra quyết định công nhận hơn 1.800 m2 đất thuộc quyền sử dụng của bà Kim Anh. Vì vậy, bà Kim Anh yêu cầu gia đình bà Th. trả lại đất và đồng thời hỗ trợ gia đình bà Th. số tiền gần 15 triệu đồng. Bà Kim Anh cũng đồng ý cho gia đình bà Th. lưu trú trên đất trong thời hạn chín tháng.

Không đồng ý với quyết định của TAND tỉnh Bình Dương, bà Th. khiếu nại. Năm 2002, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đều có văn bản trả lời khiếu nại của bà Th. là không có căn cứ để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Năm 2004, bà Kim Anh khởi kiện đòi đất cho ở nhờ. TAND thị xã Thuận An xử sơ thẩm và ra quyết định buộc bà Th. phải tự tháo dỡ, di dời tài sản để trả lại đất cho bà Kim Anh.

Bà Th. kháng cáo tiếp. TAND tỉnh Bình Dương sau đó lại xử phúc thẩm. Người đại diện gia đình bà Th. cung cấp tờ trích lục sao địa bộ chứng minh nguồn gốc đất là của ông nội bà Th. sử dụng đất từ năm 1882. Tuy nhiên, tòa cho rằng bản trích sao địa bộ này chỉ là tài liệu tham khảo. Ngoài ra, đại diện gia đình bà Th. không có bằng chứng nào khác chứng minh diện tích nói trên là của gia đình bà. Vì vậy, tòa bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bà Th., giữ nguyên quyết định của TAND thị xã Thuận An.

17 năm nay, bà Kim Anh đã vất vả đòi miếng đất này. Ảnh: VŨ HỘI

Bị cưỡng chế xong lại tái chiếm

Tuy nhiên, gia đình bà Th. vẫn không chịu di dời trả đất. Vì vậy, năm 2007 Thi hành án thị xã Thuận An đã tổ chức cưỡng chế, giao tài sản hơn 1.800 m2 đất cho bà Kim Anh. Tuy nhiên, ngay sau đó gia đình bà Th. tái lấn chiếm rồi dựng nhà tạm ở từ đó đến nay. Đã nhiều năm bà Kim Anh gửi đơn đến chính quyền địa phương đề nghị xử lý người chiếm đất của mình nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông VVL, đại diện gia đình bà Th., cho biết bà Th. vẫn cho rằng gia đình mình sống trên mảnh đất này từ trước những năm giải phóng và không đồng ý với việc trước kia là UBND xã cấp giấy đỏ mảnh đất này cho bà Kim Anh. Vì thế họ quyết không chịu giao đất.

Theo ông Lý Khắc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Thuận An, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, năm 2007 thi hành án đã cưỡng chế giao tài sản cho gia đình bà Kim Anh. Tuy nhiên, gia đình bà Th. tái lấn chiếm nên việc xử lý lúc này là chính quyền thị xã Thuận An.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, cho biết: “Chức năng địa phương hiện nay chỉ giữ đúng hiện trạng đất, không để phát sinh xây dựng và tình hình an ninh trật tự. Còn về xử lý, cưỡng chế thì thuộc về UBND thị xã Thuận An. Chúng tôi mong muốn xử lý dứt điểm vụ việc này vì kéo dài quá lâu rồi”.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch cưỡng chế tiếp”

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, lý giải về việc chậm trễ cưỡng chế để giao đất cho bà Kim Anh là do sau khi gia đình bà Th. tái chiếm đất thì họ có khiếu nại lên TAND Cấp cao tại TP.HCM về một quyết định xử lý hành chính liên quan nên phải chờ.

“Hiện UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ này nên chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức thực hiện cưỡng chế tiếp. Vụ việc này kéo dài đã lâu nên chúng tôi phải làm ngay, khẩn trương, đâu có vấn đề gì mà phải để kéo dài nữa” - ông Tâm khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm