Uống rượu bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn trong máu?

Từ ngày 1-1-2020 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực. Một trong những điểm quan trọng của bộ luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây. Quy định này góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông do rượu bia gây ra.

Uống rượu bia sau bao lâu thì lái được xe

Cũng với quy định này, nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.

Trả lời trên PLO, ThS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho hay để biết thì không có thời gian chính xác sau khi uống rượu bia bao lâu thì được lái xe.

Bởi theo vị bác sĩ này, nồng độ cồn trong máu còn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu, loại rượu đã uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu…

Theo đó, người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao, cơ thể hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Ngoài ra, nồng độ cồn trong máu còn phụ thuộc vào thời gian uống, nếu cơ thể càng đói thì hấp thu rượu càng nhanh, ngược lại khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.

bao-lau-het-nng-do-con-trong-mau

Không có thời gian chính xác sau khi uống rượu bia bao lâu thì được lái xe. Ảnh: QUỐC VŨ

Với người uống kéo dài, triền miên thì rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn. Ngoài những yếu tố trên, yếu tố về cân nặng, tốc độ uống cũng quyết định rất nhiều đến nồng độ cồn trong máu.

Trả lời trên Zing, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng cho hay thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Thông thường, một cơ thể chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ uống rượu bia, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất 1-2 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, trong cuộc nhậu, người ta thường uống vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

Không có ngưỡng an toàn nào cho cơ thể khi uống rượu bia

Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của rượu với nồng độ cồn thấp khi tiêu thụ một lượng rượu có hàm lượng cồn dưới ngưỡng 20 gam mỗi ngày.

Tuy nhiên, một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018 đã cho thấy ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero. Tức không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu.

Theo bản tin của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 0,05 g/100 ml (tương đương với uống hai cốc bia) có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu bia.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

(PLO)- Chất đạm có vai trò quan trọng từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến điều chỉnh lượng đường trong máu trong cơ thể, đó là những lý do tại sao việc ăn protein lại quan trọng.

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

(PLO)- Từ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, nồng độ Cortisol cao hay sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đến thiếu ngủ... là một trong năm lý do khiến bạn thèm đường.