Theo chân heo bơm nước vào TP.HCM

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết năm 2016, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 108 trường hợp heo bơm nước có nguồn gốc từ tỉnh Long An đưa vào chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ, trong khi năm 2015 là 98 trường hợp. Càng cận tết, heo bơm nước vào TP.HCM càng nhiều.

Một đêm hai vụ

Rạng sáng 31-12-2016, PV Pháp Luật TP.HCM có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền để tìm hiểu thực trạng heo bơm nước đưa vào chợ này.

Khoảng 1 giờ 30, xe tải số 51C-184... chở 30 con heo đã giết mổ vào chợ để phân phối cho tiểu thương. Chủ lô heo nói trên là ông Trần Văn Hoàng (TP.HCM). Như thường lệ, cơ quan thú y TP.HCM thực hiện kiểm tra lô hàng trước khi tiêu thụ và đã phát hiện bốn con (320 kg) có biểu hiện bơm nước như thịt nhạt màu, không có độ dẻo, ấn tay thấy thịt bùng nhùng, rỉ nhiều nước. Căn cứ giấy chứng nhận kiểm dịch thì bốn con heo nói trên có nguồn gốc từ cơ sở giết mổ Long Hiệp (Long An).

Làm việc với cơ quan thú y, ông Hoàng thừa nhận bốn con heo đã bị bơm nước trước khi giết mổ. Ngoài bị phạt tiền, cơ quan thú y còn buộc ông Hoàng luộc bốn con heo bơm nước và chuyển mục đích sử dụng bằng cách dùng làm thức ăn gia súc.

Ba tiếng sau (khoảng 4 giờ 40), cơ quan thú y kiểm tra một sạp trong chợ và phát hiện một con heo đã giết mổ cũng có biểu hiện bị bơm nước. Con heo này có dấu kiểm soát giết mổ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An đóng. Chủ con heo là ông Võ Hoàng Phi Dũng (TP.HCM).

Ông Dũng khai con heo đã bị bơm nước trước khi đưa vào cơ sở Lê Hữu Bình (Long An) giết mổ. Ngoài đề nghị mức phạt 2,5 triệu đồng, cơ quan thú y cũng buộc ông Dũng chuyển thịt bị bơm nước làm thức ăn gia súc.

Một vụ heo bơm nước bị bắt quả tang và thịt heo bơm nước đang rỉ dịch khi treo lên. Ảnh: TRẦN NGỌC

Quét hóa chất để nước không bị rỉ

Ông Khương Trần Phúc Nguyên cho biết Chi cục Thú y TP.HCM nhiều lần có công văn đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An tăng cường giám sát, kiểm tra và có biện pháp xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ heo bị bơm nước. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn chưa có chiều hướng cải thiện.

Theo ông Nguyên, hiện nay một số đối tượng sử dụng hóa chất quét lên bề mặt thịt heo nhằm mục đích giúp thịt khô, không rỉ dịch, tuy nhiên khi dùng dao cắt thì nước trong thớ thịt sẽ rỉ ra. Chi cục Thú y TP.HCM đang phân tích xem đây là hóa chất gì, độc hại ra sao.

“Không chỉ heo bơm nước, cơ quan thú y TP.HCM còn phát hiện heo chết trước khi giết mổ có nguồn gốc từ Long An cũng lén lút đưa vào chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ” - ông Nguyên nói.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện có 13 cơ sở giết mổ heo tập trung. “Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong khi 13 cơ sở nói trên chỉ giết mổ độ 7.800 con. Khoảng 2.200 con heo còn lại phải nhập từ các nơi khác nên mới xảy ra thực trạng heo bơm nước từ ngoài tuồn vào TP.HCM” - ông Thảo nói.

Theo ông Thảo, để nhân dân TP.HCM sử dụng thịt heo an toàn thì tốt nhất nên giết mổ tại các cơ sở trên địa bàn TP. Ngoài 13 cơ sở nói trên, TP.HCM sẽ có thêm cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn). Theo thiết kế, đây sẽ là cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại với công suất khoảng 3.000 con/ngày và đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ông Thảo cho biết trước thực trạng heo bơm nước từ Long An đưa vào TP.HCM tiêu thụ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng có thể xin ý kiến Sở NN&PTNT, Sở Công Thương TP.HCM cho phép hoạt động dây chuyền giết mổ heo bán công nghiệp trong thời điểm trước tết.

Lực lượng thú y quá mỏng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An nhiều lần kiểm tra và xử phạt các cơ sở giết mổ heo bơm nước. Tuy nhiên, do lực lượng thú y quá mỏng, không thể túc trực tại cơ sở giết mổ 24/24 giờ nên vẫn còn đối tượng lén lút bơm nước vô heo trước khi giết mổ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An lại không có thẩm quyền đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ.

Đối với trường hợp heo chết đưa vào giết mổ và có đóng dấu kiểm dịch, nhiều đối tượng lợi dụng nhân viên thú y mệt mỏi do thức suốt đêm nên đã trộn chung với thịt không bệnh. Tuy nhiên, cho dù lý do gì, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An cũng đã phê bình, khiển trách nhiều nhân viên thú y khi để thịt heo bơm nước và heo chết ra thị trường.

Ông PHAN NGỌC CHÂU, Chi cục trưởng
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An

_________________________________

Thịt heo không bơm nước: Bề mặt thịt khô, sạch, không dính lông và tạp chất lạ, có độ đàn hồi.

Thịt heo bơm nước: Mặt cắt ướt, một số cơ vùng thấp đọng nước, độ đàn hồi kém, mô cơ hoành tích dịch. Heo sống bị bơm nước có biểu hiện mệt mỏi, vật vã, bụng phồng to, ói ra nước.

Thịt heo bơm nước dễ nhiễm vi sinh gây ngộ độc như Salmonella, E. Coli, Staphylococcus… Thịt heo bơm nước cũng mau ôi thiu.

Ông KHƯƠNG TRẦN PHÚC NGUYÊN, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm