Thành phần hóa chất có trong bánh Trung thu có gây độc hại?

Trong hầu hết các bánh Trung thu đều chứa những thành phần hóa học như E500ii, E418, E471, E410, HT 155, chất bảo quản, phẩm màu thực phẩm.... Liệu những hóa chất này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay những phụ gia thực phẩm sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng thì vẫn đảm bảo an toàn. Nếu vượt quá mức quy định của Bộ Y tế thì các thành phần này sẽ có những tác động xấu tới cơ thể.

Tài liệu của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng nhận định rằng nếu sử dụng phụ gia không đúng liều lượng đối tượng sẽ gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Nếu tồn dư các chất này trong cơ thể lâu dài có thể gây các triệu chứng như ăn không ngon, đau bụng, tiêu chảy…

Sử dụng các thành phần hóa học sai liều lượng đối tượng để làm bánh Trung Thu sẽ gây ngộ độc cấp tính. Ảnh: Intetnet

“Để đảm bảo an toàn cho mùa Trung thu đang đến gần, người dân không nên mua những loại bánh giá rẻ và không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. Khi mua bất kể các loại bánh Trung thu hay các thực phẩm ăn trực tiếp nào khác thì người tiêu dùng cần chú ý tới nhãn mác và thành phần của sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Do đó để đảm bảo sức khỏe cho mình, nếu người tiêu dùng mua về mà thấy có dấu hiệu bất thường hoặc hư hỏng thì không được dùng, kể cả bánh chính hãng" - PGS Thịnh khuyến cáo.

Ông cũng cho hay đối với các loại bánh sử dụng phẩm màu, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ là rủi do rất lớn nếu bạn ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép. Thêm vào đó PGS Thịnh cũng nêu quan điểm, không khuyến khích việc sử dụng đường hóa học để tạo độ ngọt khi làm bánh, kẹo bởi về mặt nguyên tắc thì các loại bánh là thực phẩm dinh dưỡng, do đó việc dùng đường không tự nhiên thì không nên dùng trong chế biến.

Ngoài những thành phần hóa học trên, nhiều sản phẩm bánh ngọt in trên bao bì là không đường nhưng trong thành phần lại chứa đường Isomalt và một số đường có tính chất tương tự.

PGS-TS Duy Thịnh cho biết Isomat là chất phụ gia thực phẩm có mã số INS 953, nó vừa là một chất nhũ hóa, vừa tạo bộ bóng, chống đông vón, ngoài ra tăng khối lượng thực phẩm. Đây cũng được coi là một chất ngọt tổng hợp và không có hại cho sức khỏe. Theo tài liệu cung cấp bởi Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thì Isomalt là một chất ngọt tổng hợp không ngọt bằng đường mía và chứa rất ít năng lượng được dùng trong thực phẩm. Theo Văn bản hợp nhất 02/VBHN- BYT không quy định liều lượng tối đa sử dụng và cũng chưa có nghiên cứu về tác hại việc sử dụng quá nhiều Isomalt. Việc trên bao bì ghi “Không đường” là trong thành phần cấu tạo không kê khai sử dụng thành phần đường (như đường mía, đường Saccarose). Và một số chất tạo ngọt thay thế đường có trong danh mục phụ gia cho phép của Bộ Y tế được sử dụng với liều lượng cho phép theo quy định.

Như vậy, nếu như sử dụng đúng liều lượng và đúng đối tượng, thì các thành phần hóa học trên đều không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Người tiêu dùng cần mua và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã làm thủ tục tự công bố, bày bán ở nơi bảo đảm vệ sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm