Tắc ruột vì ăn nhiều chất xơ

Chất xơ được biết đến với vai trò trong việc hỗ trợ tiêu hóa như chống lại táo bón, điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm lượng cholesterol trong máu, phòng chống ung thu… Với niềm tin này, nhiều người tiêu dùng đã ăn số lượng lớn chất xơ từ rau, củ, quả mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng tiêu thụ quá nhiều chất xơ lại khiến cơ thể bị đầy hơi, táo bón, rối loạn tiêu hóa...

Thực tế mới đây tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi 6 tuổi bị tắc ruột do bã thức ăn. Được biết trước đó cháu bé đã ăn nhiều măng xào, hồng ngâm và sung. Bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp cho biết, kết quả thăm khám, chụp chiếu cho thấy, bệnh nhi bị tắc ruột non, quai ruột nổi rõ nghi do bã thức ăn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để lấy khối bã thức ăn trong dạ dày của cháu bé. 

Khối bã thức ăn gây tắc ruột do bé gái tiêu thụ quá nhiều chất xơ. Ảnh: SKDS

Bác sĩ Lân lưu ý tình trạng tắc ruột nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng, thậm chí gây tử vong. Để tránh tắc ruột do thức ăn, người dân không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa nhiều chất xơ, nhiều nhựa như quả sung, quả cám mít, măng, hồng xiêm lúc đói, đặc biệt với người già và trẻ em.

Điều này cũng được Bác sĩ CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Dinh Dưỡng Việt Nam khẳng định: “Mặc dù rau, củ quả rất lành mạnh và tốt cho cơ thể nhưng không có nghĩa là ăn bao nhiêu cũng được”. Theo bác sĩ Diệp khuyến nghị, mỗi người trưởng thành nên cung cấp cho cơ thể từ 400-500 gram rau củ mỗi ngày. Không nên ăn quá định mức 500 gram bởi hầu hết các loại rau củ đều khá khó tiêu, nếu tiêu thụ quá nhiều dễ gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, có thể gây ra bệnh.

Thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, chất xơ có ở trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, có 2 loại chất xơ là loại hoà tan trong nước và loại không tan trong nước.

Chất xơ tan trong nước có nhiều trong các loại hạt đậu như: đậu nành, đậu ngự, đậu tây, rau, trái cây… Chất xơ này có thể làm giảm cholesterol và giúp cơ thể điều hoà đường trong máu. Chất xơ không hoà tan trong nước như: cám lúa mì, hạt ngũ cốc chưa xay, rau. Chất xơ này hút nước, tăng khối lượng chất bã khiến quá trình thải cặn bã mau hơn. Vì vậy nên ăn nhiều loại thực phẩm có đủ hai loại chất xơ. 

Tiêu thụ quá nhiều dễ gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, có thể gây ra bệnh. Ảnh: Internet

Theo đó, Viện dinh dưỡng quốc gia đưa ra khuyến nghị người Việt Nam nên tiêu thụ ít nhất là 20 – 25g chất xơ/người/ngày. Trong đó rau, củ được khuyến nghị, một người chỉ nên tiêu thụ ở mức 400- 500 gram/ngày và trái cây từ 200-300 gram/người/ngày.

"Ngoài ra để phát huy hết lợi ích của chất xơ đối với cơ thể, khi ăn các món có chất xơ người tiêu dùng cần uống nhiều nước hay chất lỏng để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng", Viện dinh dưỡng nêu rõ.

 Những lưu ý khi ăn chất xơ

- Nên sử dụng chất xơ trong thiên nhiên hơn chất xơ chế biến, vì chất xơ trong thiên nhiên có hai loại tan trong nước và không tan trong nước.

- Không nên ăn chất xơ nấu quá nhừ vì nó chuyển thành dạng bột đường. Vì vậy nếu có thể ăn rau vừa chín tới, đặc biệt rau sống và rau còn giòn.

- Rửa trái cây và rau trước khi dùng để loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật. Tốt nhất ăn trái cây không nên gọt vỏ vì lớp này có nhiều chất xơ không hòa tan trong nước.

- Giữa hai bữa ăn, nên dùng trái cây khô khi đói.

- Chất xơ trong khẩu phần ăn tăng từ từ để bộ máy tiêu hóa thích nghi được với món ăn khó tiêu này và tránh đầy bụng.

- Uống nhiều nước, vì chất xơ hút khá nhiều nước trong ruột.

(Viện dinh dưỡng quốc gia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm