Sốc phản vệ vì ăn thịt gà, hải sản

Thông tin từ báo Infonet, các bác sĩ Bệnh viên Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh vừa tiến hành cấp cứu một bệnh nhân có tên VTH 55 tuổi bị ngộ độc thực phẩm và sốc phản vệ độ III.

Theo người nhà của bệnh nhân, trước đó vài giờ chị H. có đi ăn liên hoan tại nhà người quen. Sau khi ăn thịt gà và con ruốc biển khoảng 15 phút, chị H. xuất hiện tình trạng đau bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân. Khoảng 30 phút sau khi ăn, tình trạng của chị H. trở nên nghiêm trọng và ngất đi. Ngay sau đó, người thân đã đưa chị H. đến BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.

  Sốc phản vệ do thức ăn. Ảnh: Infonet

Vì sao sốc phản vệ do thức ăn?

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học Công nghệ & Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, sốc phản vệ là tình trạng dị ứng nặng xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên từ vài phút đến vài giờ. Bệnh thường có xu hướng diễn biến nặng lên rất nhanh và gây tử vong nếu không được xử trí đúng và kịp thời. Trước đây, tỉ lệ tử vong do sốc phản vệ ở Việt Nam rất cao.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết thêm trên Afamily, sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm, có thể gặp ở bất cứ ai và có thể thông qua ăn một thực phẩm nào đó. Sốc phản vệ qua đường ăn uống có nhiều biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng và tùy vào từng người mà biểu hiện sốc phản vệ khác nhau.

“Một số người có biểu hiện sốc phản vệ ngoài da như da mẩn đỏ, ngứa, phù nề mặt mũi, chân tay, mồm miệng. Nhiều người bị sốc phản vệ nặng hơn có thể xuất hiện bỏng nước, loét da, bong trợt da” - ông cho hay.

Thực phẩm dễ gây dị ứng?

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia các loại thực phẩm như tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng.

Ở người lớn, thường gặp là dị ứng với tôm, cá thì với trẻ em phần nhiều là dị ứng với sữa bò, trứng và đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng.

Với trẻ đang trong độ tuổi bú mẹ, nhiều bà mẹ do sợ thiếu sữa hoặc do đi làm xa nên pha thêm sữa bột cho bé bú dẫn đến bé bị dị ứng với thành phần của sữa. Các phản ứng dị ứng với các thực phẩm không chứa protein hoặc ít protein là hiếm khi xảy ra.

Dị ứng thức ăn là dị ứng với thực phẩm đưa vào đường tiêu hóa nhưng các biểu hiện chủ yếu lại ở da và những yếu tố gây nặng bệnh lại nằm ở đường hô hấp.

"Có đến 80% trẻ bị dị ứng có biểu hiện ở da, 20% có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp (thở co kéo, khò khè…), 20% có biểu hiện ở hệ tiêu hoá, các triệu chứng khác chỉ chiếm vài phần trăm. Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục được" - Viện dinh dưỡng quốc gia thông tin.

Những dấu hiệu nguy hiểm

Viện dinh dưỡng quốc gia lưu ý, biểu hiện của dị ứng thức ăn khá nhanh. Chỉ từ vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi cho trẻ ăn thực phẩm có chứa các dị nguyên gây dị ứng. Chúng là những biểu hiện nổi ở bề mặt cơ thể, dễ thấy, dễ quan sát. Ở mức độ nhẹ, trẻ có biểu hiện sưng môi, ngứa miệng lưỡi, ngứa hầu họng. Ở mức độ vừa, trẻ sẽ bị ngứa khắp mình mẩy, nổi nốt đỏ kích thước lấm tấm hoặc có thể nổi thành những ban đỏ kích thước lớn, mắt có thể sưng đỏ, chảy nhiều nước mắt. Ở mức độ nặng, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở và sốc dị ứng. Khi rơi vào trường hợp nặng cần xử trí nhanh chóng, nếu không có thể dẫn tới tử vong.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: "Không ăn bất cứ loại thức ăn nào bạn từng dị ứng vì phản ứng lần sau có thể nặng hơn, gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng".

Nếu chẳng may có dấu hiệu sốc phản vệ, bạn cần nắm rõ những bước sơ cứu ban đầu sau:

- Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị vật nguyên.

- Cho bệnh nhân nằm tại chỗ.

- Gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm