Rao bán, quảng cáo tôm hùm đất bị xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm đỏ, tôm càng đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus). Tôm hùm đất ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa, khiến những loài tôm, cá đặc trưng có thể biến mất.

Tôm hùm đỏ nhập vào Việt Nam và buôn bán nhiều với giá bán lẻ khoảng 250 đến 400 ngàn đồng/kg, tùy kích cỡ.

Sự ảnh hưởng khôn lường

Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

Tác hại của tôm hùm đất là rất lớn. Ảnh: Internet

Nếu loài này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đỏ sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái.

Hơn thế nữa, tôm hùm đất đã được đông lạnh vẫn có khả năng gây bệnh. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, kể cả khi loài tôm này đã được đông lạnh thì khi vứt ra môi trường, các bộ phận của nó vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn, vi trùng gây bệnh cho các loài sinh vật khác”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì việc kiểm soát tôm hùm đất gặp khó khăn vì thường được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi phát hiện hành vi buôn bán, nuôi loài này, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

Ngoài ra, việc ăn tôm hùm đất chưa nấu chín, hoặc ăn sống cũng có thể sẽ rất nguy hiểm vì con người có thể bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi, loài giun này thường sống ký sinh trong đầu tôm đất.

Phạt nặng với hành vi kinh doanh tôm hùm đất

Tôm hùm đất được chế biến rất đẹp mắt, được rao bán ở một số trang mạng, thực tế là sinh vật ngoại lai, cấm nuôi ở Việt Nam. Việc buôn bán, quảng cáo loài tôm này sẽ bị xử lý theo quy định.

Cụ thể, Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 35/2018 thì tôm hùm đất (tôm càng đỏ) thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại

Ngoài ra, Tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 26/2019.

Do vậy, việc kinh doanh phát tán có thể bị xử lý hình sự theo Điều 246 BLHS. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 đến 500 trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 tỉ đồng.

Nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 43 Nghị định 155/2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm