Nước nhiễm dầu nguy hại đến sức khỏe ra sao?

Xung quanh việc nước đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà (Viwasupco) bị đổ trộm dầu thải với lượng lên đến 2,5 tấn, UBND Hà Nội đã có báo cáo về độ an toàn của nguồn nước. Theo đó các mẫu xét nghiệm nước đều có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép theo quy định của Bộ Y tế từ 1,3 đến 3,65 lần.

Dầu thải nhuốm đen nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Ảnh: Zing.vn

Tuy nhiên, chia sẻ trên Zing.vn, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng việc nước sinh hoạt của người dân bốc mùi cháy khét, chuyển màu là do nhiễm dầu thải, mà kết quả xét nghiệm lại chỉ có một chất vượt chuẩn là khó tin. Ông bày tỏ quan điểm phải có ít nhất ba cơ quan quan trắc mới cho số liệu khách quan. Theo vị này, điều người dân cần biết là các chỉ số khác trong nước như nồng độ kim loại nặng, vi sinh vật, các hóa chất độc hại khác.

Lo ngại dầu thải có thể sinh ra chất độc hại trong nước.

Sự việc đã gây ra nhiều lo lắng cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn các quận phía Tây Hà Nội như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy,... khi nhận thấy nước sinh hoạt nồng nặc mùi thuốc sát khuẩn clo, thậm chí có mùi khét khó ngửi.

  Người dân phải tranh thủ tích trữ nước sạch vào các dụng cụ chứa đựng. Ảnh: PLO 

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội,bày tỏ quan điểm: "Nếu kết quả xét nghiệm nước mà chỉ đưa ra thông số của styren thì hoàn toàn vô nghĩa".

Lý giải điều này, vị PGS cho hay: "Hàm lượng styren trong giới hạn cho phép là 20 µg/l, đây là một hàm lượng vô cùng nhỏ, tương đương 20/1 triệu. Dù có tăng lên gấp bốn lần hay năm lần thì cũng không có khả năng gây mùi như vậy. Trong khi đó, có những khác cũng rất độc như các chất có gốc dầu benzen với hàm lượng cực cao, gấp 15-100 lần so với styren lại không được đề cập tới".

Ông cho biết thêm: "Styren có thể có trong nước nhưng rất ít và không thể đột nhiên tự tăng lên được, phải có nguồn gây ô nhiễm khác mới khiếm hàm lượng này tăng lên bất thường". Thêm vào đó, theo tiêu chuẩn 2009 thì Styren được xếp vào nhóm C, là những nhóm không đáng quan tâm nhiều. “Tại sao chỉ quan tâm đến Styren, một chất không ảnh hưởng tới màu, mùi hay vị ra để đánh giá chất lượng nguồn nước” - ông đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng vì đã xác định được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do dầu thải thì phải khoanh vùng để tìm ra các chất có hại có trong nguồn nước này. Ông cũng bày tỏ sự lo lắng về dầu thải, bởi chúng luôn được liệt dưới dạng chất thải nguy hại. Trong trường hợp này, loại dầu được đổ trộm còn nguy hiểm hơn các loại dầu thải thông thường, vì đây là phế cặn còn sót lại không thể tái chế được.

"Nước sinh hoạt có mùi khét, cháy của dầu tức là nước đang bị nhiễm nhiều tạp chất hữu cơ, bởi dầu là một loại chất hữu cơ. Khi các chất hữu cơ lẫn trong nước, chưa được xử lý hết mà lại sục khí clo thì rất dễ sinh ra các hợp chất hữu cơ clo, đây thường là các chất độc hại cho sức khỏe con người" - PGS-TS Thịnh phân tích.

"Tôi nghĩ cần có công văn đề nghị công bố toàn bộ những nhóm chất có trong nước nhiễm độc cũng như các chỉ tiêu để đánh giá nguồn nước chứ không phải một, hai chất như hiện tại công bố" - PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh thêm - "Người dân cần đặt câu hỏi vì sao nguồn nước đầu nguồn của Hà Nội lại dễ dàng bị ô nhiễm như vậy. Tôi kiến nghị các cơ quan phải nên nhìn lại công tác quản lý nguồn nước đầu nguồn".

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tất cả những chất được Bộ Y tế khuyến cáo đều độc hại hết nhưng muốn đánh giá có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không còn xét tới nồng độ và nhiều các yếu tố chứ không phải là chất Styren.

"Và cơ quan chức năng cần thông tin cụ thể về chất gây hại, mức độ độc hại hay an toàn của nguồn nước để tránh gây hoang mang cho người dân nơi đây" - ông bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm