Những ca ngộ độc vì tin vào thực phẩm 'thần dược'

Dùng sừng tê giác chữa sốt co giật, ung thư

Mới đây, thông tin từ BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa cứu sống bé gái NKAD (22 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị ngộ độc methemoglobin (một rối loạn máu, xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm...). Nguyên nhân của vụ ngộ độc này là do gia đình bé đã cho bé uống bột mài từ sừng tê giác để chữa sốt co giật.

Nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa sốt co giật và ung thư. Ảnh: Internet

Trước những hiểu lầm tai hại này, BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện tại khoa học chưa có bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Phụ huynh không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi vô căn cứ, có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ.

BS Nguyễn Xuân Trung cũng khẳng định trên báo Sức Khỏe Đời Sống:Sừng tê giác không phải là một thần dược chữa sốt, mề đay hay ung thư. Hiện nay trong Đông y hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh vì vừa đắt vừa khó tìm, bên cạnh đó cần lưu ý rằng sừng tê giác là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc.  

“Trong y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn 7.000 bài thuốc, chỉ có khoảng 50 bài có thành phần sừng tê giác. Cho nên những người uống một mình sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh, nếu có tác dụng chỉ là cá biệt. Trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị” - vị chuyên gia thông tin.

Bác sĩ cũng lưu ý hiện nay trên thị trường Việt Nam khoảng 80% là sừng tê giác giả làm từ sừng trâu, sừng bò, sừng dê… “Những sừng này được mài giống như sừng tê giác thật nhưng khi soi ánh sáng vào thì không có đỏ hồng như sừng tê giác. Đây là một đặc điểm mà chỉ có sừng tê giác mới có” - BS Trung chia sẻ.

Mật cá trắm bổ dương, cường thận

Cuối năm 2018, BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận trường hợp của nam bệnh nhân  bị ngộ độc sau khi nuốt mật cá trắm.

Theo Cục An toàn thực phẩm - VFA (Bộ Y tế), trong những năm gần đây, tại Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm để chữa nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay, hay bổ thận, tăng cường sinh lý… Theo đó, mật cá trắm được người dân sử dụng theo hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn mật với nước, rượu, mật ong.

Tuy nhiên, Cục VFA khẳng định đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa các loại bệnh, thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.

Cục VFA cũng chỉ rõ độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Mức độ gây ảnh hưởng của mật cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Mật cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau hai ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Ăn thịt cóc chữa còi xương

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng trẻ ăn thịt cóc để chữa còi xương và biếng ăn ở trẻ. Tuy nhiên, theo phân tích của ThS-BS Dương Công Minh trên trang webiste của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho hay: Dựa trên bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng công bố năm 2007 cho thấy thịt cóc không phải là thần dược để chữa còi xương và biếng ăn cho trẻ. Bởi hàm lượng canxi và vitamin D có trong chúng cực thấp, lại dễ gây độc do các độc tố trên cơ thể của chúng.

Hàm lượng canxi và vitamin D có trong thịt cóc cực thấp, lại dễ gây độc do các độc tố trên cơ thể của chúng. Ảnh: Internet

ThS-BS Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Viện Dinh dưỡng NutiFood, cũng lưu ý rằng cơ thể cóc có những bộ phận chứa chất độc.

Độc tố cóc chính là bufotoxine có trong phủ tạng (gan, mật, ruột, phổi…), trứng, da và dịch tiết màu trắng đục, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc, từ các tuyến dưới da, sau mang tai, trên mắt và các hạch thần kinh ở dọc hai bên xương sống. Chất này rất bền với nhiệt độ nên không bị phá hủy trong quá trình chế biến. Theo BS Loan, người ta ước tính lượng bufotoxine trong một con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm