Nhận biết giấm ăn tự nhiên và giấm ăn pha bằng axit

Ngoài nỗi lo về giá cả thì người dân còn phải đối mặt với nỗi lo về an toàn thực phẩm khi tình trạng vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp… Mới đây người tiêu dùng lại hoang mang trước "công thức" để sản xuất giấm ăn là dùng axit acetic pha với nước lã rồi đóng chai, tuồn ra thị trường bán kiếm lời.

Vừa qua báo Pháp Luật TP.HCM có đưa tin Rùng mình sản xuất giấm ăn bằng nước lã và axit đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả thắc mắc, liệu có cách nào để phân biệt được dấm ăn tự nhiên và giấm ăn pha axit công nghiệp hay không?

Bạn đọc có tên Thu Tâm thắc mắc: "Làm thế nào để nhận biết đâu là giấm ăn thông thường và giấm pha axit?". Không chỉ Thu Tâm, độc giả Bình Phan cũng đặt câu hỏi tương tự trước tình trạng giấm bị pha bằng axit công nghiệp này.

Theo các chuyên gia, giấm là một dung dịch chất lỏng có vị chua dịu, được hình thành từ men của rượu etylic. Thành phần chính cấu tạo lên giấm ăn là axit axetic (CH3COOH) có nồng độ 2-5% và nước. Axit axetic để làm giấm phải là loại axit axetic tự nhiên, còn axit axetic sản xuất công nghiệp, trên thực tế không được sử dụng trong thực phẩm. Việc pha giấm với axit axetic sản xuất công nghiệp không chỉ dừng lại ở hình thức gian lận thương mại mà có thể gây tổn hại lớn cho sức khỏe, nếu giấm làm từ axit axetic công nghiệp hay những loại axit đậm đặc, không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ..

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết bằng một số mẹo và kinh nghiệm, người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là giấm pha axit công nghiệp và giấm lên men tự nhiên thông qua: mùi hương, màu sắc và cả những đặc điểm khi chế biến thức ăn.

Về màu sắc, PGS Thịnh phân tích: "Giấm pha chế từ axit công nghiệp có màu trong suốt dù bảo quản 1-2 năm, không vẩn cặn, lắc mạnh bọt tan nhanh. Để đánh lừa thị giác người tiêu dùng nhiều nhà sản xuất sẽ phải phụ thêm chất tạo màu để giấm có màu hơi vàng. Do đó nếu không thể tự làm giấm ở nhà, người tiêu dùng nên chọn giấm có mảng kết tủa do xác giấm bị lão hóa, khi lắc, bọt trong chai chậm tan".

Dựa vào mùi vị, màu sắc, đặc điểm chế biến... có thể nhận biết được đâu là giấm pha chế và giấm tự nhiên. Ảnh: Internet

Hương vị của giấm cũng là một cách để nhận biết, vị chuyên gia này cho hay giấm pha chế không có được mùi thơm đặc trưng của giấm gạo (chua thanh, dịu ngọt) hay giấm trái cây thông thường bởi chúng phải bổ sung chất tạo mùi hương liệu. Chính vì thế khi sử dụng nếu thấy giấm có mùi hương không bền, nhanh phai, vị chua gắt, hắc, hoặc mùi este... thì đó là giấm pha. Còn khi mở nắp nếu thấy vị chua nhẹ dịu, vị đó không bay lên ngay thì đó là giấm ăn lên men tự nhiên.

Ngoài ra, PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Lên men, Viện Công nghệ thực phẩm chia sẻ với báo chí, thông qua vị giác và đặc điểm chế biến, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được đâu là giấm pha chế.

Theo đó vị chuyên gia này cho hay: "Giấm do pha axit axetic sẽ có vị chát tiêu biểu, vị này sẽ không có đối với giấm lên men. Khi sử dụng trong chế biến thức ăn bằng giấm axit sẽ không đạt độ hài hòa về độ chua - ngọt, vì thực chất chúng chỉ có độ chua. Nếu như là người đã quen sử dung giấm lên men tự nhiên thì sẽ dễ dàng nhận ra điều này".

Theo PGS.TS Việt Anh mặc dù hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay số liệu minh chứng cụ thể nào về nguy hại của giấm pha acid Acetic. Nhưng khi các chất vô cơ này đi vào cơ thể sẽ dẫn đến việc thẩm thấu nhanh hơn nhiều so với giấm thường. Thực tế là ở các nước phát triển, từ lâu đã cấm sử dụng giấm pha chế.

"Để đảm bảo sức khỏe, người dân cần mua ở những nơi uy tín, hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn giấm ăn, tốt hơn hết là tự làm tại nhà", PGS.TS. Duy Thịnh đưa ra lời khuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm