Gan lợn sống có liên quan đến virus viêm gan E?

Thông tin trên được đăng tải trên tờ Straits times cho hay các nhà nghiên cứu của Bệnh viên Đa Khoa Singapore (SGH) đã tìm ra sự liên hệ giữa virus viêm gan E với gan lớn sống được mua trên thị trường. Phát hiện này sẽ là mối lo ngại cho những người có hệ thống miễn dịch yếu, vì nhiễm HEV nghiêm trọng hơn đối với những người này.

Điều này thậm chí là mối lo ngại lớn khi nghiên cứu cho thấy rằng nhiễm HEV trong cư dân Singapore đã tăng đáng kể trong những năm qua. Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 9-10, SGH cho biết tỷ lệ nhiễm trùng do viêm gan E tại nước này đã tăng gấp đối sau 4 năm, từ 1.7/100000 người năm 2012 lên đến 4.1/100000 người vào năm 2016. Những người bị nhiễm HEV thông thương là đàn ông Trung Quốc từ 55 tuổi trở lên.

Các nhà nghiên cứu tại SGH đã phát hiện ra rằng chủng virus viêm gan E (HEV) trong 3/4 mẫu máu của bệnh nhân bị nhiễm bệnh có đặc điểm di truyền tương tự như virus được phát hiện trong 3 mẫu gan lợn sống được mua từ các thị trường địa phương.

Các nhà nghiên cứu SGH cho rằng ăn gan lợn sống mua trên thị trường có liên quan đến việc nhiễm vius viêm gan E. Ảnh minh họa: Internet

Tiến sĩ Chan Kwai Peng, tác giả nghiên cứu và Tư vấn cao cấp của Khoa vi sinh của Bệnh viện Đa khoa Singapore cho biết, mặc dù các nhà nghiên cứu không thể xác định liệu gan lợn có phải là tác nhân chính của các trường hợp HEV ở Singapore hay không, nhưng họ quan sát thấy gan lợn là món ăn phổ biến ở địa phương. "Vì hầu hết mọi người thích ăn nó ở dạng chín vừa tới nên điều này có thể khiến họ có nguy cơ bị nhiễm viêm gan E", Tiến sĩ Chan cho biết.

Viêm gan E là bệnh do virus HEV gây ra ở gan

Theo Straits times, một người có thể bị nhiễm viêm gan E do ăn các sản phẩm sống hoặc chưa nấu chín từ động vật bị nhiễm bệnh, uống nước bị ô nhiễm... Ở một vài nước cũng khẳng định nhiễm trùng viêm gan E do ăn thực phẩm sống thường liên quan đến việc tiêu thụ thịt lợn hoặc nội tạng và động vật có vỏ. Vào năm 2010, Trung tâm An toàn Thực phẩm của Hồng Kông cũng đã đưa ra một báo cáo về việc ăn gan lợn chưa nấu chín và nguy cơ nhiễm HEV liên quan.

Hay năm 2017, một chủng HEV-được mệnh danh là virus Brexit được cho là có mối liên quan đến các trang trại lợn ở nhiều quốc gia khu vực Châu Âu khi cơ quan y tế đã phát hiện hơn 60.000 người Anh bị nhiễm virus HEV mỗi năm. Vào thời điểm đó, virus này cũng được báo cáo tìm thấy trong thịt từ các trang trại ở Pháp, Hà Lan, Đức và Đan Mạch. Sự lây nhiễm này là do người dân đã ăn các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh.

Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm virus sẽ không có các triệu chứng rõ ràng, nếu có thì thường sẽ gây sốt, mệt mỏi, vàng da và buồn nôn. Nhiễm trùng HEV thường tự khỏi sau một vài tuần và không dẫn đến bệnh mãn tính hoặc tổn thương gan.

Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể nguy hiểm cho bất cứ ai có hệ thống miễn dịch yếu như bệnh nhân cấy ghép, hoặc những người mắc bệnh gan mạn tính trước đó. Nó có thể gây ra bệnh gan nặng hoặc suy gan có thể dẫn đến tử vong. Nhiễm trùng cũng có thể nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, nhưng các chủng HEV ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai không phổ biến ở Singapore. Khi bị nhiễm HEV, người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng, tránh uống rượu và cần xin tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc có thể gây tổn thương gan.

Làm thế nào mọi người có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm HEV khi ăn thực phẩm, chẳng hạn như gan lợn?

Bác sĩ Chan nói: "Cách an toàn nhất để tiêu thụ thực phẩm, bao gồm cả thịt lợn, là nấu chín kỹ."

Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, muốn xác định gan lợn có liên quan đến virus viêm gan E hay không, cần có những nghiên cứu cụ thể hơn ở nước ta. Tuy nhiên ông cũng đồng tình rằng, không chỉ với gan lợn, mà các thực phẩm khác nên nấu chín, hạn chế ăn tái để tránh nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm khuẩn.

"Gan có chức năng thải độc, không đồng nghĩa là gan tồn dư nhiều chất độc hại, vì thực tế độc tố đi qua gan sẽ được chuyển hóa, phân hủy, đào thải qua phân và nước tiểu ra khỏi cơ thể. Nếu chế biến đúng cách và chọn mua sản phẩm an toàn, gan lợn rất tốt cho sức khỏe.

Ông cũng thông tin thêm, trong gan động vật có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan hoặc virus gây bệnh. Nếu chế biến và đun nấu không đảm bảo có thể xâm nhập vào cơ thể, gây bệnh nguy hiểm.

Chọn gan an toàn và nấu chín sẽ giảm tác động có hại đến cơ thể. Ảnh: Internet

BS. CKI Trần Thị Minh Nguyệt- Viện dinh dưỡng NutiFood cũng bày tỏ quan điểm, nếu đảm bảo được nguồn gốc của động vật và thức ăn để nuôi dưỡng con vật đó thật sự an toàn thì chúng ta có thể an tâm về chất lượng gan của động vật.

"Khi mua, nên quan sát màu sắc của gan phải đỏ tươi, bề mặt nhẵn, không có những nốt sần sùi, không có mùi lạ. Trước khi chế biến không bóc lớp màng trên bề mặt và bóp hết máu đọng", ông Thịnh lưu ý thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm