Dễ đổ bệnh khi dùng thớt không sạch chế biến thức ăn

Thớt là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, giống như bất cứ các sản phẩm khác, thớt cũng có những quy định và hạn sử dụng nhất định. Việc sử dụng sai cách sẽ khiến các vi khuẩn, vi sinh vật có hại trên thớt gia tăng gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đắk Lắk đã chỉ ra một vài thói quen sử dụng thớt sai cách.

Sử dụng thớt sai cách sẽ làm gia tăng vi khuẩn có hại trên bề mặt thớt và lây nhiễm sang thực phẩm. Ảnh: The Sun

Chế biến thức ăn sống, chín trên cùng một chiếc thớt

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đắk Lắk cho biết đây là sai lầm thường thấy ở nhiều gia đình. Theo đó, thực phẩm tươi sống như thịt, cá đều có nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng... cho dù có chà rửa kỹ thì cũng chỉ làm sạch bề mặt, còn những vi khuẩn đã bám vào trong sớ gỗ không thể làm sạch được vẫn nằm lại đó và tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Điều này cũng được PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng tình. Ông chỉ rõ nếu chỉ dùng một chiếc thớt để thái cả thức ăn sống lẫn thức ăn chín sẽ dễ bị nhiễm khuẩn chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín, dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh về đường tiêu hóa...

“Do đó mỗi gia đình nên có ít nhất 2-3 chiếc thớt dùng để thái thực phẩm sống, thực phẩm chín, hoặc cắt gọt hoa quả” - vị chuyên gia thông tin.

Sử dụng cả hai mặt thớt

Nhiều người có thói quen sử dụng cả hai mặt của thớt, một mặt thái đồ sống và một mặt thái đồ chín. Tuy nhiên, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đắk Lắk cho hay người tiêu dùng nên bỏ thói quen này, bởi các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp thường không được sạch sẽ. Khi đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng đã bám vào, do vậy chỉ nên sử dụng một mặt.

Mỗi gia đình nên có 2-3 chiếc thớt để đảm bảo an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn. Ảnh: Internet

Không thay thớt sau thời gian sử dụng

Sau một thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ bị nham nhở nhiều vết cắt, lâu ngày thức ăn giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Đơn cử như vi khuẩn Salmonella gây viêm dạ dày, viêm ruột, sốt thương hàn, vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy, và nguy hiểm hơn là độc tố aflatoxin sinh ra từ nấm mốc, đây là loại độc tố không thể làm sạch dù ở nhiệt độ cao và là nguyên nhân gây ra ung thư nguy hiểm.

“Do đó, người tiêu dùng nên thay thớt sau khoảng 6-8 tháng đã sử dụng” - trung tâm này đưa ra lời khuyên.

Không chà rửa thớt đúng cách sau khi sử dụng

Sau khi sử dụng thớt, nhiều người chỉ rửa dưới nước sạch, rửa thớt xong lại để thớt nằm ngang khiến cho nước thấm sâu vào thớt, khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Do đó, để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng ở thớt, việc vệ sinh thớt rất quan trọng. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đắk Lắk chỉ rõ sau khi cắt thức ăn, cần rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch. Hoặc sau khi rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch, đổ nước nóng lên thớt rồi dùng bàn chải cứng để chà rửa khử trùng, diệt nấm mốc.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể hòa thuốc sát trùng với nồng độ 5% (8-16 ml thuốc trong 2 lít nước), ngâm thớt 10-15 phút để tẩy sạch vi khuẩn. Sau khi vệ sinh thớt sạch sẽ, cần dựng hoặc treo thớt lên cho ráo nước. Không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm