Dấu hiệu cần biết để tránh ăn phải heo bị dịch tả heo Châu Phi

Dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang là nỗi ám ảnh của ngành chăn nuôi heo của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, khi hiện nay chưa có một vaccine hay cách điều trị được công bố đối với bệnh này. Vì lý do này, dịch tả heo châu Phi gây hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia bị ảnh hưởng. 

Theo Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), ASF là căn bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến heo nhà và heo rừng thông qua tiếp xúc trực tiếp với đồng loại nhiễm bệnh, tiêu thụ thức ăn làm từ thịt nhiễm bệnh, tiếp xúc với bất cứ vật dụng nào dính virus (quần áo, phương tiện, thiết bị...), bị côn trùng nhiễm virus cắn... Điều may mắn, cho đến nay các nhà nghiên cứu chưa phát hiện trường hợp ASF lây sang người. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), heo nhiễm bệnh tả Châu Phi vẫn có nguy cơ mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm lợn... và điều này gây nguy hiểm cho con người khi ăn phải.

Dấu hiệu của heo bị ASF

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm, heo bị ASF có một số dấu hiệu như:

- Biểu hiện ngoài da: Hoại tử trên bề mặt da, xuất huyết dưới da tai, ngực, bụng.

- Phần gan sẽ bị sung huyết, phình to, xuất huyết ở lớp màng thanh dịch của túi mật. Tương tự phổi, thận, hay tim cũng sẽ có sung huyết, xuất huyết lấm chấm, khí quản và phế quản có chứa bọt...

Nội tạng heo bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi sẽ bị xung huyết... Ảnh: SESC

Ngoài ra bệnh có nhiều biểu hiện: Thể quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Ở dạng cấp tính, con heo có thể bị sốt cao nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, heo dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản. Heo nhiễm ASF có thể chết đột ngột. Các chủng ASF có độc tính cao thường dẫn đến cái chết trong vòng 10 ngày. Các trường hợp nhẹ hơn có thể không nhìn thấy rõ triệu chứng. 

Nên cẩn trọng khi tiêu thụ thịt heo

Theo Cục Y tế Dự phòng, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, chia sẻ với PLO.VN, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo tả heo không gây bệnh trên người song chúng ta không nên chủ quan.

"Thông thường, người chăn nuôi heo không thể phát hiện sớm việc heo bị nhiễm dịch bệnh, do đó rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho đàn gia súc. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn...", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Vị chuyên gia cho biết, đối với những đàn heo bệnh, nhất là khi bị chết, chúng sẽ không còn khả năng để chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh khác. Đồng thời khi giết thịt heo bệnh, chúng sẽ còn có khả năng mắc thêm nhiều loại bệnh khác do sự phát triển của những vi khuẩn ở trong môi trường tấn công như Salmonella...

Heo bị nhiễm ASF còn có khả năng nhiễm nhiều loại bệnh khác. Ảnh: Đặng Trung

Điều này cũng được bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) chia sẻ trên báo chí rằng tuy dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo nhưng heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...

"Nếu thịt heo đã bị nhiễm dịch tả heo mà còn nhiễm thêm bệnh khác cho dù chúng ta có nấu chính để vi khuẩn chết hết nhưng độc tố gây bệnh thì vẫn còn. Và khi ăn phải người ta vẫn bị nhiễm bệnh. Do đó điều quan trọng trong những vùng có ổ dịch là việc tiêu hủy đúng cách và không tiếc của sử dụng thịt heo bị nhiễm bệnh. Điều này không chỉ ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc cho chúng ta và mà còn bảo vệ cho chính mình", chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Trước vấn đề này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay để bảo đảm sức khỏe và phòng chống dịch bệnh xảy ra trên heo, các nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch. Ban Quản lý ATTP cũng khuyến khích người dân lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn (đã được kiểm soát từ khâu nuôi, giết mổ và kinh doanh) với dấu hiệu nhận biết thông qua logo “chuỗi thực phẩm an toàn”. Hoặc sản phẩm có tem truy xuất (để biết nguồn gốc heo từ trại an toàn với dịch bệnh hay không).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm