Chợ và nỗi lo về rác thải

Dạo quanh các khu chợ, chúng tôi bắt gặp tình trạng chung khi sau mỗi phiên chợ, một lượng rác thải, nước thải từ các cửa hàng, kiốt mà không được phân loại thành rác thải vô cơ, hữu cơ hay rác tái chế. Chất thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, các loại rau xanh bị dập nát, hoa quả hư thối cho đến các loại bao bì gói hàng, túi nylon, giấy rác từ các hộ kinh doanh ăn uống... bị bỏ lại nằm ngổn ngang khắp mọi lối vào chợ. Mùi nông sản thối rữa trộn lẫn với mùi nước thải bốc lên nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Các loại rác thải không được phân loại mà tụ thành từng đống.

Rác thải từ các buổi họp chợ. Ảnh: NH

Chưa kể khi trời mưa xuống, trên các vũng nước còn sót lại sau cơn mưa, phế phẩm từ nông sản tiếp tục được vứt xuống tạo nên những “thiên đường” cho loăng quăng, ruồi, muỗi thi nhau sinh sôi nảy nở. Số rác thải này một phần được thu gom, một phần được tích tụ lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ cũng như sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực.

Có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vào buổi sáng, theo ghi nhận của chúng tôi, khu chợ bị ngập ngụa bởi rác thải và bốc mùi hôi thối khiến người ta dễ nhầm tưởng đây là một khu chứa rác thải. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh dịch từ rác thải.

Anh Thái Minh Khiêm, công nhân Công ty Môi trường đô thị, chia sẻ: "Mỗi ngày chúng tôi phải thu gom hết tất cả rác từ trong chợ cho tới ngoài chợ nên khá vất vả. Nhưng rác vừa được dọn ở góc này thì góc bên kia lại mọc thêm đống khác. Sức người thì có hạn”.

Rác thải tràn ngập khu chợ. Ảnh: NH

Theo ghi nhận, số lượng thùng rác ở mỗi khu chợ chưa được ban quản lý phân bố hợp lý, thêm vào đó là ý thức của các tiểu thương khi thùng vẫn trống mà rác thì ngập cả khu chợ. Những tồn tại bất cập này cần phải sớm được khắc phục.

Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Luật An toàn thực phẩm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; bảo quản thực phẩm phải ngăn ngừa được ảnh hưởng của bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; phải thu gom, xử l‎ý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, chẳng hạn như các hành vi không bảo đảm quy định về địa điểm hoặc khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp trong khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây ô nhiễm môi trường… đều có thể bị xử phạt. Ngoài ra, tùy thuộc hành vi vi phạm, nếu vứt rác thải bừa bãi còn có thể bị xử phạt theo theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 
                                                                        

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm