Bị sốc phản vệ chỉ vì ăn ve sầu

Ở nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu và khá phổ biến như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít….Thậm chí người ta còn chế biến côn trùng thành các món ăn đặc sản như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên…. Tuy nhiên, việc sử dụng  côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người ăn.

Mới đây, ngày 10-5 tại Quảng Ninh, một người đàn ông phải nhập viện với các biểu hiện sốc phản vệ sau khi uống rượu và ăn ve sầu. Bệnh nhân nhập viện sau ăn khoảng 3 giờ, với các biểu hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa, mệt mỏi, cảm giác lạnh người, khó thở, đại tiểu tiện không tự chủ.

Bác sĩ tại bệnh viện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chuẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III do ăn ve sầu, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, sau một ngày vào viện người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường.

Bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn côn trùng. Ảnh: Vnexpress

Trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc ấu trùng ve sầu được Cục an toàn thực phẩm (VFA) xác định nguyên nhân do sử dụng ấu trúng ve sầu ở dưới đất, trong những gốc cây có lá mục để chế biến (rang, xào) làm thức ăn. Các ấu trùng này có hình dáng khác thường trên đầu nhộng ve sầu có 1- 5 cọng (thân) và phần cuối hơi phình ra (quả).

Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2-3 giờ tùy thuộc lượng ăn vào (có trường hợp chỉ ăn có 1 con nhộng vẫn bị bệnh) với các biểu hiện nôn ói, chân tay co giật và dẫn đến hôn mê sâu đặc biệt bệnh biểu hiện nặng khi có uống rượu kèm theo. Ấu trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm độc.

Để tránh tình trạng ngộ độc do ăn ve sầu nói riêng và côn trùng nói chung, nhất là thời điểm vào hè, Cục An toàn thực phẩm đưa ra các cảnh báo khi sử dụng côn trùng làm thức ăn. 

Theo VFA, nguyên nhân các vụ ngộ độc do côn trùng là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… Hay ngộ độc do các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm... khi chế biến thức ăn.

Việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây tử vong cho người sử dụng.

Khi sử dụng côn trùng làm thức ăn cần sơ chế và chế biến an toàn. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: Buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.

Vì vậy, VFA lưu ý người dân không nên sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Đồng thời nếu chế biến làm thức ăn, người nấu cần sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết. Người tiêu dùng cũng phải loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.

Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét và điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm