Bí kíp ăn uống để Tết thêm trọn vẹn

Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, đây cũng là dịp có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với một số đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính...

Đặc điểm dinh dưỡng ngày Tết

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt (PCT HĐQT Viện NutiFood) nhận định trong những ngày Tết, mọi gia đình đều cố gắng dành dụm để tạo ra một không khí no đủ, thịnh soạn trong ngày Tết, bởi vậy nhà nào cũng đầy ắp thức ăn: thịt cá, chả giò, thịt đông, bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, rượu bia... Đây cũng là dịp để mọi người vui vẻ, đến nhà người này, người kia uống ly rượu, ly bia, ăn miếng bánh lấy may đầu năm... mà không tuân giờ giấc nào.

Có thể thấy chế độ ăn uống của mọi người trong dịp Tết có nhiều thay đổi và có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Theo BS Nguyệt, việc ăn uống thất thường, không đúng bữa, số bữa ăn cũng nhiều hơn, nhiều món ăn hơn, trong đó rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau so với bữa ăn hằng ngày dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ ngơi trong dịp này dài hơn bình thường, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, kéo theo việc ít vận động hơn, vì thế nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng lượng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, chế độ ăn nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính.

Vì vậy, theo chuyên gia dinh dưỡng Minh Nguyệt, dù vui đến đâu cũng nên chú ý giữ gìn sức khỏe, đặc biệt về dinh dưỡng.

Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong ngày Tết

Theo sự tư vấn của BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt, để có một mùa Tết lành mạnh, khỏe khoắn chúng ta cần:

- Cố gắng duy trì ăn uống điều độ, ăn đủ bữa, không bỏ bữa sáng, không ăn sau 20 giờ, không ăn vặt bánh kẹo mứt cả ngày, ăn uống chừng mực.

Đảm bảo cân đối bốn nhóm thực phẩm trong các bữa ăn ngày Tết. Ảnh: Internet

- Luôn đảm bảo cân đối bốn nhóm thực phẩm trong các bữa ăn, chú ý bổ sung rau xanh, trái cây trong các bữa ăn.

Chế biến món ăn nên hấp luộc thay vì chiên xào nhiều dầu mỡ, chọn món nhiều rau ít thịt như lẩu thập cẩm, rau trộn dầu giấm, rau luộc ngũ quả, chuẩn bị những món rau không cần chế biến như dưa leo, cà chua, xà lách… ăn kèm trong các bữa tiệc. Ăn vừa phải các món giò chả thủ, thịt đông, xúc xích, bánh chưng,... không nên ăn thỏa thích và phải luôn ăn kèm rau.

- Sử dụng nước ngọt có ga, rượu bia chừng mực, không nên “dô dô” hết mình, cung cấp nước lọc thường xuyên cho cơ thể từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.

- Ngoài việc chú trọng ăn uống điều độ và chừng mực, đừng quên duy trì tập thể dục 30-60 phút/ngày.

- Ngoài ra, cần chú ý ngủ đủ giấc, không nên thức quá khuya.

- Những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, gút… càng chú ý duy trì các bữa ăn càng gần giống ngày thường càng tốt, duy trì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không có thức ăn xấu, không có thức ăn tốt. Thức ăn tốt hay xấu là phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải, phù hợp với thể trạng, hoàn cảnh... Như vậy, dưới sự tư vấn của BS Nguyệt, mỗi chúng ta nên cân bằng lại dinh dưỡng, vui chơi giải trí hằng ngày để xuân này thêm trọn vẹn và yêu thương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm