Bảo quản thức ăn sao cho an toàn trong mùa hè?

Theo Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế, tiết trời mùa hè là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến thức ăn dễ nhiễm khuẩn, ôi thiu. Khi sử dụng các loại thức ăn này, mọi người dễ ngộ độc, rối loạn đường tiêu hóa.

Do đó, khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.

Theo VFA, đối với rau quả chỉ có thể bảo quản được 3-5 ngày. Ngoài ra người tiêu dùng nên phân loại rau, để chúng trong túi đựng đã được chọc thủng vài lỗ để thoáng khí. Hãy để các loại rau củ nặng hơn như cà rốt, su hào, bắp cải... xuống dưới, sau đó để các loại rau ăn lá lên trên. Nếu thấy rau quá bẩn, bạn có thể rửa sạch, để khô nước (thấm bằng giấy ăn) trước khi cho vào tủ.

Ngoài ra, các bà nội trợ cần bảo quản trái cây và rau quả một cách riêng biệt, nếu không rau sẽ hấp thụ khí ethylene thải ra từ một số loại trái cây và sẽ bị hư hỏng sớm. Tốt hơn là đặt rau và hoa quả trong các ngăn riêng biệt được cung cấp. Đối với một số loại trái cây phát hành khí ethylene như chuối, bơ, đào, mơ... không cần phải được bảo quản trong tủ lạnh bởi chúng sẽ khiến thực phẩm gần đó chín hoặc nhanh hỏng hơn. Điều này cũng đúng với một số loại rau củ như khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, bí ngô... chúng sẽ để được lâu hơn nên lưu trữ ở nhiệt độ phòng.

Theo VFA, nên để riêng hoa quả và rau củ để đảm bảo độ tươi ngon cho thực phẩm. Ảnh: Internet

Đối với hải sản, thịt sống, thịt gia cầm nên được bảo quản trong phần lạnh nhất của tủ lạnh càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi, đảm bảo an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, cần đặt chúng trên một cái đĩa hoặc vật chứa, tránh cho nước từ thực phẩm nhỏ vào thức ăn khác. Cố gắng giữ riêng từng loại sản phẩm để tránh nhiễm chéo. Hải sản, thịt sống có thể được bảo quản khỏi vi khuẩn và không bị ô nhiễm trong tối đa bốn ngày. Đối với thịt đã nấu chín, tổng cộng là 3 ngày.

VFA cũng đưa ra lưu ý trong việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh. Theo đó tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm. Chúng chỉ hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Vì thế nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo sẽ khiến việc bảo quản trở nên "công cốc". Ngoài ra thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh không hợp vệ sinh, không sơ chế trướ khi bảo quản, thực phẩm sống để lẫn thực phẩm chín... dù là được cất trữ trong tủ lạnh những cũng sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Ngoài ra Cục An toàn thực phẩm còn lưu ý người tiêu dùng nên đảm bảo vệ ính chân tay, dụng cụ ăn uống, bếp nấu khi chế biến thực phẩm, tránh việc ngộ độc thực phẩm vào mùa nóng bức này. Đặc biệt, nên chú ý "ăn chín, uống sôi" đề phòng ngộ độc. Thêm vào đó, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, không hợp vệ sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm