Bán mật ong nuôi quảng cáo ong rừng: Coi chừng mang họa

Mật ong được coi như một loại thuốc quý, có nhiều công dụng rất tuyệt vời như phòng chống nhiễm trùng, làm tăng sức đề kháng, trị ho, viêm loét dạ dày, làm đẹp da,… chính vì những lý do trên mà hiện nay trên thị trường nhiều người đổ xô nhau đi bán mật ong. Bán từ các cửa hàng, bán tại nhà, ở các chợ và ngay trên các vỉa hè.

Làm giả và giới thiệu không đúng hàng

Vì mật ong rừng hiện nay rất quý hiếm nên giá thành rất cao, nhiều nơi bán dao động 600.000-1.500.000 đồng/lít, tùy nơi xuất xứ của mật ong.

Đáng chú ý là có nhiều nơi dùng công nghệ để lấy đường làm mật ong. Nguyên liệu chính để làm mật ong giả là đường, nước lọc, phèn hoặc chanh tươi và vỏ cây núc nác. Sau khi chế biến “mật ong” bằng những loại nguyên liệu này người làm mật ong giả rót vào chai và cho thêm một ít sáp ong và một vài giọt mật ong thật lên phía trên để có mùi thơm giống mật ong rừng. Sau khi thành phẩm những người làm mật phân phối cho nhiều nơi để bán với nhiều mức giá khác nhau. Phổ biến là giá khoảng 200.000-400.000 đồng/lít.

Hiện nay có trường hợp nhiều người lấy mật ong của những hộ nuôi với số lượng lớn với giá khoảng 100.000-150.000/lít, sau đó rao bán trên mạng hoặc mang bày bán ở một số chợ với giá 500.000-700.000 đồng/lít vì những người này giới thiệu với người mua là mật ong lấy từ rừng. Trường hợp bán ở chợ còn có người mang thêm cả một ít lá tràm, sáp ong để người mua tin đó là mật ong rừng.

Mật ong nhà nuôi với giá khoảng 50.000-150.000 đồng/lít. Ảnh: Nguyên Võ

Tiếp xúc với một hộ nuôi ong ở Long An, chị N. cho biết “nhà tôi nuôi ong khoảng ba năm nay, tôi cung cấp chủ yếu cho công ty, công ty lấy với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/lít tùy thời điểm, họ lấy với số lượng lớn mới có giá đó. Những người mua lẻ mỗi lần trên 10 lít tôi lấy giá 100.000 đồng/lít, mua một hay hai lít thì lấy giá 150.000 đồng/lít. Đa số những người mua khoảng 10 lít là để bán lại, họ rao đó là mật ong rừng và bán giá khoảng 500.000 đồng/lít".

Cách xử lý người bán mật ong không đúng chất lượng

Theo luật sư Đặng Thành Trí, tại điểm a, b khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo “lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo” và hành vi quảng cáo “sai sự thật,  không đúng chất lượng, công dụng, chủng loại của hàng hóa” sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.

Ngoài ra, việc làm giả mật ong nếu gây thiệt hại cho “tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe” của người tiêu dùng sẽ bị xử lý hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm