Bạn đã ăn mì ăn liền đúng cách?

Mì ăn liền trở thành món ăn phổ biến, quen thuộc đối với sinh viên và cả người đi làm bởi sự nhanh gọn và tiện lợi. Tuy nhiên, có rất nhiều cảnh báo về tác hại mà mì ăn liền gây ra như việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, chuyển hóa, chứa nhiều muối và thậm chí là bột ngọt.

Ăn mì ăn liền không đúng cách sẽ mắc các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng. Ảnh: Internet

BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho hay: "Nhìn chung mì gói không độc hại, vì hiểu đơn giản rằng là thực phẩm được cấp phép của Bộ Y tế thì không gây độc hại cho người tiêu dùng, nhưng nếu ăn liên tục kéo dài sẽ không có lợi cho sức khỏe".

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Một số món ăn nhanh hiện khá phổ biến như "mì, bún, phở ăn liền", thành phần dinh dưỡng của loại thức ăn liền này chủ yếu là chất bột, còn chất đạm, chất béo, vitamin đều rất thấp. Những người thường xuyên ăn "mì ăn liền" trong thời gian dài có tới 60% bị mắc các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là 54%, thiếu vitamin B2 là 23%, thiếu kẽm là 16% và thiếu vitamin A là 29%.

Do đó, để việc sử dụng mì ăn liền lành mạnh và ít gây hại sức khỏe hơn cho người tiêu dùng, BS Diệp cũng đưa ra những lời khuyên:

Không nên ăn thường xuyên

Nếu ăn liên tục kéo dài sẽ không có lợi cho sức khỏe vì mì gói không cân đối các chất dinh dưỡng do nó có nhiều chất bột đường. Thay thế bữa ăn bằng mì gói sẽ thiếu chất đạm, các loại vitamin từ rau xanh, không có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, trong sợi mì có một chút muối cũng tương đương với các thực phẩm khác nhưng trong gói mì còn có thêm gói gia vị, khi chế biến chỉ nên cho một ít gia vị này để giảm bớt lượng muối. Nếu ăn nhiều muối sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp.

Không nên ăn mì gói vào bữa tối và ăn liên tục kéo dài

 Dù chúng ta cân đối thành phần dinh dưỡng như thế nào cũng sẽ gây ra các vấn đề cho chuyển hóa và bị béo phì. Bởi công nghệ để sản xuất ra mì ăn liền đã làm mì gói chứa một hàm lượng chất béo transfat. Chất béo này không có lợi cho hệ tim mạch của cơ thể, dễ làm xơ vữa động mạch, nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Như đã nói, bản chất của mì gói không xấu, chỉ khi ăn liên tục kéo dài mới gây bất lợi hay gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, lạm dụng mì gói như một bữa ăn chính sẽ không có lợi cho sức khỏe. Chúng ta nên chọn mua những loại mì mà trong thành phần có bổ sung các vi chất dinh dưỡng như nhóm chất vitamin B hay hàm lượng muối ít, có ít chất béo bão hòa...

Khi ăn nên bổ sung các loại nhóm thực phẩm tươi nguyên khác

Bổ sung rau, củ và thịt, cá... khi ăn mì ăn liền. Ảnh: NH

Nếu muốn mì gói trở thành một bữa ăn phải bổ sung chất đạm như thịt gà, thịt heo, trứng..., bổ sung các loại rau để cung cấp chất xơ như một ít giá, cà chua, đậu hũ, rau xanh... 

Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến trong đó có mì ăn liền

Về mặt dinh dưỡng, chúng ta nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày, do đó tốt nhất hãy ăn thực phẩm càng gần tự nhiên càng tốt. Hiện nay, theo khuyến nghị, chúng ta nên ăn các loại ngũ cốc còn thô như gạo, bắp, khoai, bột mì... và thịt, rau củ tự nhiên hơn là thực phẩm chế biến.

Như vậy, nếu chúng ta có tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến như mì ăn liền thì phải biết cân đối dinh dưỡng sao cho cơ thể nhận được nguồn năng lượng từ thức ăn một cách tốt nhất.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta.