Ăn tôm hùm đất chưa chín có thể bị sán lá phổi

Tôm hùm đất (còn gọi là Crawfish, Red Swamp Crayfish) đang trở thành cái tên gây "sốt" bởi chúng được chế biến thành các món ăn ngon miệng. Đây là loài tôm được cho có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhập về bán tại Việt Nam với mức giá khá rẻ, chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, điều này được nhiều người tiêu dụng thích thú bởi giá thành rẻ hơn rất nhiều khi ăn ở nhà hàng.

Tôm hùm đất được rao bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội với giá khá rẻ. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường, tôm hùm đất lại được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại, nên không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Vậy tại sao loài tôm đang gây "sốt" ở nhiều nước trên thế giới này lại bị cấm nuôi và kinh doanh ở nước ta?

Mối nguy cho nông nghiệp Việt Nam

Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu thông tin với truyền thông, nguyên nhân loại này bị cấm tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. 

Cụ thể, loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng  đào hang làm hỏng đê điều, hay có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

Không chỉ thế vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang.

 

Theo điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh cho tôm, các loài thủy sản khác. Ảnh: Internet

Trả lời PLO, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định tôm hùm đất bị cấm không phải là vì loại động vật nguy hiểm, gây bệnh cho con người, mà là mối nguy cho nền nông nghiệp Việt Nam nếu không có sự quản lý kịp thời.

Đồng thời loại tôm này không mang lại kinh tế cao, thịt tôm cũng ít hơn giống tôm của nước ta và thực tế cũng không không tác động xấu khi ăn chúng. Tuy nhiên ông nhấn mạnh hiện nay tôm hùm đất đang bùng phát tại nước ta và việc ngăn chặn sẽ rất vất vả, bởi tình trạng nhập lậu lén lún của các cá nhân. 

"Điều đáng bàn là tình trạng nhập lậu bởi các cá nhân. Khi nhập bất cứ một giống loài nào vào VN cũng cần được thông qua luật kiểm định động vật. Điều này vừa kiểm soát được độ an toàn cho đời sống và sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng thực tế, loài này đang được nhập lậu bởi cá nhân một cách tùy tiện, và không hề có kiểm dịch sẽ gây thiệt hại kinh tế, chứ chưa tính đến yếu tố sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Tờ Health guidance cho biết, việc ăn tôm hùm đất chưa nấu chín, hoặc ăn sống sẽ rất nguy hiểm vì con người có thể bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi, loài giun này thường sống ký sinh trong đầu tôm đất. Theo đó, loài ký sinh trùng có tên Paragonimus kellicotti. Vì thế hãy cẩn trọng khi tiêu thụ loại tôm này. Nếu chế biến kỹ tôm hùm đất có thể giết chết ký sinh trùng và không gây nguy cơ cho sức khỏe. 

Tờ The Source cũng dẫn ra các bác sĩ ở Trường Y thuộc Đại học Washington tại St. Louis, Mỹ, từng điều trị bệnh nhiễm sán lá phổi hiếm gặp cho 6 bệnh nhân ăn tôm hùm đất sống bắt từ những dòng sông và con suối ở bang Missouri trong thời gian từ năm 2007 đến 2010. Trước 6 người này, chỉ có 7 ca mắc bệnh tương tự được ghi nhận ở Bắc Mỹ, nơi sán lá phổi Paragonimus kellicotti rất phổ biến ở tôm hùm đất. Cơ quan Y tế bang Missouri đã in poster khuyến cáo người dân không ăn tôm hùm đất sống bên những dòng suối. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm